Những giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Những năm tỉnh Hòa Bình đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị, quyết định lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân triển khai thực hiện việc đảm bảo ATVSLĐ- PCCN.
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác ATVSLĐ - PCCN tại Công ty TNHH Japfa ComfeedViệt Nam, chi nhánh Hòa Bình tại xóm Đễnh, xã Dân Hòa (Kỳ Sơn). |
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2422 triển khai Chương trình ATVSLĐ tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2016-2020. Chương trình tập trung thực hiện 3 nội dung hoạt động chính, gồm: Các hoạt động nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về ATVSLĐ; các hoạt động nâng cao nghiệp vụ y tế lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động tại nơi làm việc kết hợp với các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, tư vấn về ATVSLĐ…
Theo Sở Lao động- Thương Binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, để giảm thiểu các vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra trên địa bàn đặc biệt là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, xây dựng, kinh doanh điện, xăng dầu, các hộ kinh doanh ga, các chất dễ cháy nổ, thuốc trừ sâu trên địa bàn tỉnh, thiết thực hưởng ứng tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tỉnh cần tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đối với các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước: Cần thực hiện các hoạt động thúc đẩy sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và các cơ quan truyền thông đối với công tác ATVSLĐ nói chung và ATVSLĐ trong lĩnh vực khai thác khoáng sản và các lĩnh vực dễ xảy ra mất an toàn nói riêng.
Nâng cao và làm chuyển biến nhận thức của người lao động, người sử dụng lao động thông qua các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện cho người sử dụng lao động, người lao động, cán bộ quản lý về ATVSLĐ.
Rà soát, hệ thống các chính sách, các quy định về ATVSLĐ, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực khai thác khoáng sản cụ thể là: Xử phạt về vi phạm an toàn trong khai thác khoáng sản, đề nghị thu hồi giấy phép đối với những doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc những quy định về an toàn, không cấp phép hoạt động cho những doanh nghiệp chưa có giải pháp đảm bảo an toàn lao động.
Nhà nước cần đầu tư, hỗ trợ kinh phí cho công tác ATVSLĐ, trước hết là đảm bảo kinh phí cho công tác tuyên truyền, tháng hành động an toàn vệ sinh lao động, các trang, thiết bị phục vụ kiểm tra, kiểm định của các cơ quan quản lý, kinh phí cho Chương trình an toàn, vệ sinh lao động tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020. Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và các doanh nghiệp có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, yêu cầu kỷ luật, sa thải các lao động không có ý thức chấp hành các quy định, coi thường tính mạng bản thân trong quá trình lao động ở môi trường dễ có nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ.
Có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh về ATVSLĐ. Tăng cường năng lực, phương tiện cho đội ngũ thanh tra viên; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật về ATVSLĐ. Kiên quyết đình chỉ những doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng về ATVSLĐ.
Đối với các doanh nghiệp, cần tổng kết, đánh giá hàng năm, đăng ký thi đua về công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời xây dựng kế hoạch thực hiện tháng hành động về ATVSLĐ của đơn vị, trong đó cần tập trung vào các giải pháp bảo đảm cải thiện điều kiện làm việc.
Các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cần quan tâm đến công tác ATVSLĐ như đầu tư, trang bị bảo hộ lao động theo quy định cho người lao động, nghiêm túc thực hiện quy trình, quy chuẩn về ATVSLĐ vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Cần thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, tổ chức tự kiểm tra trong nội bộ doanh nghiệp để phát hiện kịp thời nguy cơ mất an toàn để chủ động có kế hoạch phòng ngừa. Tập trung vào các hoạt động cụ thể nhằm cải thiện điều kiện làm việc tại nơi làm việc, tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ, khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động, đồng thời phát động các phong trào vệ sinh, an toàn lao động trong đơn vị.
Bên cạnh đó, người lao động cần tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, học tập về các quy định của bộ luật lao động nói chung về an toàn lao động nói riêng. Có tinh thần trách nhiệm phản ánh với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi chủ sử dụng lao động không thực hiện các giao kết về an toàn vệ sinh lao động trong hợp đồng và thỏa ước lao động tập thể.
Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao. Có ý thức sử dụng và bảo quản tốt các phương tiện bảo hộ cá nhân được trang bị, các thiết bị an toàn, vệ sinh nơi làm việc.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm cá nhân khi phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây độc hại hoặc sự cố nguy hiểm phải báo ngay cho người có trách nhiệm. Đồng thời tham gia cấp cứu và khắc phục hậu quả tai nạn lao động khi chủ sử dụng lao động yêu cầu.