Những điều cần biết liên quan tới Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018
Khối ASEAN với 10 quốc gia thành viên gồm Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đang giữ vị thế là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới.
Kể từ ngày thành lập, ASEAN đã trải qua những thay đổi lớn trong 50 năm qua và trở thành điểm đến thu hút ở châu Á đối với các nền kinh tế lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (bên phải) tại phiên khai mạc toàn thể WEF-ASEAN 2017. |
WEF ASEAN 2018 được tổ chức tại thủ đô Hà Nội với chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp 4.0", có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo trong khối. Đây là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng và lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018.
Theo trang web của Diễn đàn kinh tế thế giới (weforum.org), dự kiến khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước sẽ tới thủ đô Hà Nội tham dự hội nghị, bao gồm các nhà lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và khu vực, cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Theo thông tin báo chí của WEF ASEAN 2018, các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự hội nghị tại Hà Nội gồm Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Malaysia Mahathir bin Mohamad, Cố vấn quốc gia Myanmar Aung San Suu Kyi, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Philippines Rodrigo Roa Duterte và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ngoài ra, Hội nghị WEF ASEAN 2018 còn có 6 đồng Chủ tịch là: bà Anne-Birgitte Albrectsen - Giám đốc điều hành Plan International, Anh; bà Sri Mulyani Indrawati - Bộ trưởng Tài chính Indonesia; bà Kang Kyung-Wha - Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc; ông Nazir Razak - Chủ tịch CIMB Group Holdings, Malaysia; ông Nguyễn Mạnh Hùng - Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam; và ông Kevin Sneader - Đối tác quản lý toàn cầu McKinsey & Company, Hong Kong, Trung Quốc.
Nội dung các cuộc họp được cho sẽ tập trung vào chương trình cải tiến khu vực thông qua tốc độ tăng trưởng, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ cũng như tình hình căng thẳng trên Biển Đông và cả những thách thức lớn nhất mà khu vực đang phải đối mặt.
“Bên cạnh tình hình bất ổn địa chính trị gia tăng, các quốc gia ASEAN cũng đang có những bất đồng trong quá trình Cách mạng Công nghiệp 4.0. Sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), robot hiện đại, y học chính xác và nhiều lĩnh vực khác không hề thay đổi mà chúng đang biến đổi thành vấn đề liên quan tới kinh tế, kinh doanh, xã hội và chính trị”, ông Justin Woods, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF và Børge Brende, Chủ tịch WEF cho hay.
Ngoài ra, vấn đề tương lai nghề nghiệp cũng sẽ trở thành đề tài được đưa ra thảo luận. Tại ASEAN, lực lượng lao động được dự đoán mở rộng tới 11.000 nhân lực mỗi ngày trong 15 năm tới. Cùng thời gian này, lực lượng robot công nghiệp sẽ hoàn toàn đảm nhận những khâu lao động sản xuất kỹ thuật thấp, trong khi trí tuệ nhân tạo sẽ đe dọa lĩnh vực công nghiệp dịch vụ của ASEAN, các thiết bị tự lái cũng sẽ có mặt ngày càng nhiều trên đường phố ở Đông Nam Á. Vậy làm thế nào để lực lượng lao động có thể tìm được việc làm?
Bên cạnh đó, vấn đề địa chính trị, cải tiến, tinh thần doanh nghiệp, thương mại và tăng trưởng kinh tế cũng sẽ là những vấn đề cốt lõi được đưa ra thảo luận.
WEF ASEAN 2018 sẽ có 3 phiên họp chính bao gồm, Những ưu tiên của ASEAN trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 diễn ra vào ngày 12/9; Triển vọng địa chính trị châu Á diễn ra vào ngày 13/9 và Cuộc thảo luận với Thủ tướng Malaysia Tun Mahathir bin Mohamad cũng diễn ra vào ngày 13/9.