Những con voi "cô đơn" suốt mấy chục năm, Đắk Lắk "khát" voi con
Voi là một biểu tượng đặc trưng, gắn liền với đời sống văn hóa của người dân Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. |
Từ xa xưa, loài voi đã gắn liền với đời sống văn hóa, tâm linh và trở thành một bản sắc của đồng bào người dân tộc thiểu số tại Đắk Lắk. Thế nhưng, số lượng đàn voi nhà tại tỉnh này ngày một giảm sút. Đã hơn 30 năm qua, Đắk Lắk chưa xuất hiện voi con.
Trước nguy cơ đàn voi nhà bị xóa sổ, biến mất khỏi đời sống của người dân, vào năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Trung tâm Bảo tồn voi (TTBTV), thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk.
Trong những năm qua, lực lượng cán bộ, nhân viên tại TTBTV Đắk Lắk đã có nhiều biện pháp nhằm bảo vệ đàn voi rừng, giảm thiểu sự xung đột giữa voi rừng và người.
Đặc biệt, với sự giúp đỡ của các chuyên gia, tổ chức hàng đầu thế giới về voi như: Tổ chức Động vật châu Á (AAF); Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF), TTBTV Đắk Lắk đã triển khai nhiều biện pháp để giúp voi nhà sinh sản nhưng chưa có kết quả như ý.
3 voi mẹ "vượt cạn" thất bại
Theo ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc TTBTV Đắk Lắk, hiện toàn tỉnh có 44 cá thể voi nhà, phân bố ở huyện Buôn Đôn và huyện Lắk. Thế nhưng, khoảng từ năm 1990 trở lại đây, chưa có cá thể voi nhà nào tại Đắk Lắk sinh sản. Do đó, từ năm 2016 đến nay, phía TTBTV đã tiến hành tác động, cho 3 cá thể voi cái còn khả năng sinh sản giao phối, mang bầu. Tuy nhiên, cả 3 lần sinh nở, voi mẹ đều “vượt cạn” không thành công, khiến voi con bị chết ngạt.
Cả 3 cá thể voi cái thụ thai, sinh nở đều phân bố ở huyện Lắk. Cụ thể, vào tháng 10/2017, voi mẹ Ban Nang (38 tuổi, xã Đắk Liêng) chuyển dạ, sinh được một con voi đực, nặng khoảng 90kg nhưng voi con đã bị chết ngạt.
Đến tháng 2/2019, voi Bặc Khăm (44 tuổi, xã Yang Tao) cũng chuyển dạ nhưng voi con nặng khoảng 80kg cũng bị chết ngạt trước khi ra khỏi bụng mẹ. Gần đây nhất, vào tháng 2/2020, voi Bặc On (38 tuổi, xã Yang Tao) sinh nở nhưng cũng không thành công.
Trong nhiều năm trước, voi nhà tại Đắk Lắk chủ yếu làm du lịch, không có điều kiện sinh đẻ. |
Theo ông Luân, trọng lượng của voi con quá lớn (từ 80-100kg), các cá thể voi mẹ lại vượt qua tuổi sinh sản thích hợp nên gặp khó khi “vượt cạn”. Cụ thể, độ tuổi thích hợp để voi cái sinh sản là từ 13-35 tuổi. Thế nhưng, các cá thể voi cái ở Đắk Lắk có độ tuổi trung bình từ 38-44 tuổi. Hơn thế, mấy chục năm qua, các cá thể voi này chủ yếu làm du lịch nên bộ phận sinh sản bị lão hóa.
Còn anh Y Jư Uông (chủ voi Bặc On) cho biết, việc voi mẹ “vượt cạn” không thành khiến anh cũng như bà con trong buôn đều rất buồn. Hiện anh đã chôn cất voi con theo phong tục của địa phương và chăm sóc, bồi dưỡng cho voi mẹ lấy lại sức.
Cũng theo lời anh Y Jư, do điều kiện về kinh tế nên đa số mỗi gia đình chỉ chăm sóc, nuôi dưỡng được một cá thể voi. Vì bà con nuôi nhốt voi theo từng cá thể riêng biệt nên mấy chục năm qua, voi cái và voi đực không có điều kiện gặp nhau, không có cơ hội, môi trường chung để giao phối, sinh sản.
Sẽ sớm có tin vui?
Theo chia sẻ của ông Luân, dù đã 3 lần voi mẹ “vượt cạn” không thành nhưng ông tin “sẽ sớm có tin vui” về voi con.
Ông Luân phân tích, đơn vị đã lường trước thất bại khi cho voi cái ở ngoài độ tuổi sinh sản mang thai. Tuy nhiên, ở trong điều kiện hiện tại, đây là cách duy nhất có thể triển khai để hy vọng tìm kiếm được chú voi con cho Đắk Lắk.
Chuyên gia đang chăm sóc cho một chú voi rừng bị dính bẫy. |
Ông Luân cho biết: "Các phương án như trao đổi gen với các quốc gia có voi trẻ; bắt voi rừng về sinh sản đều chưa thể triển khai. Hiện, chúng tôi vẫn tích cực tác động để cho những cá thể voi cái trên địa bàn còn hooc-môn sinh sản thụ thai, sinh nở".
Cũng theo ông Luân, cả 3 lần trước, voi mẹ đều gặp khó khi “vượt cạn” vì hàng chục năm qua không giao phối, không sinh sản. Tuy nhiên, một khi bộ phận sinh sản của voi cái được “khởi động” lại, việc thụ thai, sinh nở tới đây sẽ khả quan hơn rất nhiều. “Phải có 3 lần thất bại trước mới có những thành công về sau này. Tin vui về voi con sẽ sớm đến với người dân trong nay mai”, ông Luân nói.
Giám đốc TTBTV Đắk Lắk cho biết thêm, một cá thể voi cái phải mang thai suốt 22 tháng mới sinh nở. Trong quá trình tác động cho voi cái mang thai, đơn vị đã có những biện pháp thiết thực nhằm hỗ trợ cho các chủ voi. Cụ thể, khi tiến hành lấy hooc-môn, xác định được thời điểm voi cái rụng trứng, TTBTV sẽ cho voi cái và voi đực vào rừng để ghép đôi, giao phối. Trong quá trình đó, chủ voi cái và voi đực sẽ nhận được một khoản tiền để bồi dưỡng, chăm sóc cho voi.
Chủ voi sẽ được hỗ trợ xứng đáng khi voi cái và voi đực vào rừng ghép đôi. |
Ngoài ra, khi voi mẹ sinh sản thành công, chủ voi được trả số tiền khoảng 600 triệu đồng. Trong trường hợp voi mẹ “vượt cạn’ không thành, chủ voi sẽ được nhận khoản tiền 170 triệu đồng.
Hiện nay, TTBTV đang khảo sát khoảng 80ha đất lâm nghiệp kém hiệu quả ở huyện Lắk để trình Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét, kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi, chuyển đổi, cải tạo thành khu chăn thả voi tập trung, giúp đàn voi nhà có điều kiện sinh sống trong môi trường tự nhiên.