Những "cơn sốt" và sự trở lại của kỷ nguyên vàng phim truyền hình Việt
“Về nhà đi con” đã tạo nên lịch sử cho phim truyền hình Việt |
Sau thời gian dài rơi vào tình trạng bị “đóng băng”, chịu sức ép cạnh tranh quảng cáo từ các chương trình thực tế và gameshow, phim truyền hình Việt năm 2019 cũng tạo nên những “cơn sốt” và thu về hàng trăm tỷ đồng cho nhà sản xuất.
Cuộc đua rating, quảng cáo trên phim
Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Mega GS nhận định: “So với mặt bằng chung của các chương trình giải trí trên truyền hình, rating của phim truyền hình đang nhỉnh hơn.
Chi phí sản xuất một tập phim chất lượng tốt chỉ 200 - 400 triệu đồng. Trong khi đó, để làm một tập gameshow tốt phải tốn 1 tỷ đồng, mà rating cũng ngang nhau. Do đó, phim Việt có chất lượng tốt thì chắc chắn sẽ giữ chân được khán giả”.
Nối tiếp bước đà từ năm 2018, năm 2019 trên nhiều kênh sóng Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL1)… xuất hiện nhiều bộ phim truyền hình có chất lượng nghệ thuật cao, được khán giả yêu thích. Càng bất ngờ hơn khi Google công bố danh sách Top 10 phim truyền hình được tìm kiếm nhiều nhất trong năm 2019 ở Việt Nam, 100% đều là phim nội địa.
Báo cáo của Hệ thống đo lường định vị khán giả truyền hình Việt Nam (Vietnam Tam) cho biết, sau 85 tập, bộ phim “Về nhà đi con” đạt trung bình rating 14,1% tại thị trường Hà Nội và 1,39% tại TP HCM. Tập có rating cao nhất đạt 21,68% tại thị trường Hà Nội, cao hơn cả bộ phim “Người phán xử” từng “làm mưa làm gió” năm 2017.
Bên cạnh đó, phim còn dẫn đầu top tìm kiếm hạng mục Phim truyền hình trên Google Trends Việt Nam năm qua khi là từ khóa được gõ tới gần nửa tỷ lần trên thanh công cụ Google. Trang fanpage “Về nhà đi con” với con số kỷ lục gần 1 triệu người theo dõi, hơn 600 nghìn lượt thích, có tổng số 276.546.000 phút video được xem chỉ tính riêng trên page, tương đương 526 năm. Mỗi clip preview và review phim đạt hàng triệu lượt xem và chia sẻ chỉ trong thời gian ngắn. Cũng nhờ cơn sốt “Về nhà đi con”, ứng dụng VTVGo đã nhanh chóng vượt ngưỡng “nút vàng YouTube”, với 1,3 triệu lượt đăng ký.
Lên sóng cùng thời điểm với “Về nhà đi con”, dù không có hiệu ứng mạnh nhưng “Mê cung” vẫn đạt mốc rating tới 13%, quảng cáo là 90 triệu đồng/10 giây và 180 triệu đồng/30 giây. Trước đó, “Nàng dâu order” duy trì được mức quảng cáo 75 triệu đồng/10 giây và 150 triệu đồng/30 giây.
Trong khi đó, rating 26% của “Tiếng sét trong mưa” đã phá vỡ mọi kỷ lục rating” của THVL1. Chưa kể lượng truy cập trên các thiết bị di dộng, liên tục đứng đầu “top trending” YouTube Việt Nam đã đưa “Tiếng sét trong mưa” vượt mặt nhiều sản phẩm của các nghệ sĩ và các gameshow hot cùng thời điểm. Ngoài ra, bộ phim “Tình mẫu tử” được chiếu trên khung giờ vàng có rating 8 - 10% ở khu vực Cần Thơ và 2 - 3% ở TP HCM. Đây cũng là chỉ số rating lý tưởng với phim truyền hình miền Nam, bởi mức trung bình chỉ trên 1%.
Mức giá quảng cáo của các phim truyền hình ăn khách hiện tương đương và thậm chí cao hơn so với những chương trình truyền hình thực tế, gameshow ăn khách nhất trên sóng VTV hiện nay. Đó là chưa kể đến rất nhiều thương hiệu lớn sẵn sàng chi số tiền không nhỏ để xuất hiện trong các phim trên sóng giờ vàng.
Đơn cử như trường hợp của “Về nhà đi con”, một tập đoàn lớn nghiễm nhiên xuất hiện trong phim, chẳng khác nào thước phim quảng cáo. Ngoài ra, theo báo giá quảng cáo TVAd, cả bộ phim có 1.781 TVC quảng cáo, thu về 122,6 tỷ đồng. Như vậy, với 85 tập phim, VTV thu về khoảng 200 tỷ đồng, bằng một phim “bom tấn” chiếu rạp đang giữ kỷ lục doanh thu tại Việt Nam. Điều này chứng tỏ nhiều bộ phim truyền hình Việt đang tạo ra “cơn sốt”, cho dù khán giả phải xem… quảng cáo dài như xem phim…
Điểm danh bom tấn truyền hình 2020
Diễn viên Phương Oanh trở lại màn ảnh với phim “Cô gái nhà người ta” |
Nhìn vào loạt phim từng “làm mưa làm gió” trên truyền hình Việt năm vừa qua, có thể thấy, dòng phim tâm lý gia đình vẫn được dự đoán là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà sản xuất khai thác. Hiện, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) đã hé lộ một số tác phẩm dự kiến sẽ lên sóng trong năm tới như: “Cô gái nhà người ta”, “Thế lực cạnh tranh”, “Đừng bắt anh phải quên”, “Tiệm ăn dì ghẻ”, “Nước mắt loài cỏ dại”… Còn khán giả của kênh THVL hồ hởi đón chờ “Gạo nếp gạo tẻ” phần 2 lên sóng.
Trong đó, lấy đề tài về nông thôn, “Cô gái nhà người ta” của đạo diễn Trịnh Lê Phong sẽ chính thức lên sóng VTV3 vào 21h30 ngày 15/1/2020. Phim có sự tham gia diễn xuất của NSND Bùi Bài Bình, NSND Tiến Đạt, NSƯT Quang Tèo… Đặc biệt là sự trở lại đầu tiên trong vai nữ chính của diễn viên trẻ Phương Oanh sau thành công rực rỡ của “Quỳnh búp bê” 2 năm trước.
Đây cũng là lần đầu tiên trở lại với phim truyền hình dài tập của Việt Nam diễn viên chính được đạo diễn Thanh Vân “chọn mặt gửi vàng” cho vai Xuân tóc đỏ trong phim “Trò đời” 5 năm trước. Bộ phim “Thế lực cạnh tranh” cũng đánh dấu sự kết hợp của dàn diễn viên trẻ hai miền Nam - Bắc như: Lã Thanh Huyền, Mạnh Trường, Diễm My 9x, Nhan Phúc Vinh…
“Đừng bắt anh phải quên”, phim khai thác về tâm lý, gia đình trong nhịp sống hiện đại cũng đã sẵn sàng trở lại màn ảnh nhỏ. Phim sẽ là màn tái ngộ phim truyền hình của diễn viên Kim Oanh, Quỳnh Kool sau một năm miệt mài làm “tiểu tam” đáng ghét nhất màn ảnh của “Nàng dâu order”.
Cuối cùng là bộ phim “Tiệm ăn dì ghẻ”với sự tham gia của dàn diễn viên đảm nhận vai chính thời trẻ của “Tình khúc Bạch Dương”. Bộ phim kể về cuộc sống của nhóm bạn thân Bống Bống Bang Bang, tình bạn của họ đi lên từ những năm tháng còn trên ghế nhà trường đến tận lúc trưởng thành.
Vẫn còn quá sớm để khẳng định sự bùng nổ phim truyền hình Việt ở thập kỷ mới. Song, với nỗ lực thay đổi không ngừng từ khai thác đề tài, đầu tư sản xuất, truyền thông khéo léo, như những gì chúng ta đã làm được trong thời gian gần đây, ước mơ cho sự trở lại của “Kỷ nguyên vàng” về phim truyền hình không còn xa vời nữa.