Những cơ sở khám , chữa bệnh nào trong cả nước đã triển khai bệnh án điện tử?
PGS. TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT - Bộ Y tế chia sẻ về kế hoạch đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí (Ảnh Ban tổ chức cung cấp) |
Trong thông tin chia sẻ hội nghị “Đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt thanh toán viện phí” vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Đà Nẵng, đề cập đến hiện trạng triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, PGS. TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục CNTT – Bộ Y tế cho biết, trong giai đoạn 2014 – 2016, Bộ Y tế đã phê duyệt dự án triển khai thí điểm bệnh án điện tử tại 06 Bệnh viện gồm Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Cuối năm ngoái, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 46 quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Đến thời điểm hiện tại, một số cơ sở khám, chữa bệnh và Sở Y tế quan tâm xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử tại đơn vị.
Cụ thể, ngoài 6 bệnh viện triển khai thí điểm nêu trên, hiện có một số Bệnh viện khác đang triển khai bệnh án điện tử như: Bệnh viện đại học Y Dược TP.HCM, Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, Bệnh viện đa khoa TP. Vinh, Bệnh viện đa khoa khu vực An Giang, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện quận Thủ Đức…Trong đó, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh và Bệnh viện đa khoa quốc tế Hải Phòng, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiến tới không sử dụng bệnh án giấy tại Bệnh viện.
Đại diện Cục CNTT – Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, với việc Thông tư 46 quy định hồ sơ bệnh án điện tử được ban hành, Bộ Y tế đã tiên phong trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đặc biệt, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã được Bộ Y tế nêu rõ trong Thông tư 46, với 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn từ năm 2019 – 2023, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống CNTT tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu quy định.
Với giai đoạn từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Bộ ngành khác chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử thì phải có văn bản báo cáo Bộ Y tế; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa triển khai được hồ sơ bệnh án điện tử phải có văn bản báo cáo Sở Y tế. Văn bản báo cáo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải nêu rõ lý do, lộ trình triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhưng phải hoàn thành trước ngày 31/12/2030.
Theo lộ trình đã được Bộ Y tế đưa ra, từ năm 2024 các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc sẽ bắt buộc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử (Ảnh minh họa: Internet) |
Cũng nhằm mục tiêu đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử, hướng tới bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, trong tham luận tại hội nghị, ông Trần Quý Tường đã đề xuất các giải pháp chính để triển khai bệnh án điện tử, đó là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách và các quy định về bệnh án điện tử, trong đó đặc biệt phải khẩn trương xác lập, sử dụng và quản lý mã định danh y tế (ID); xây dựng chuẩn kết nối liên thông giữa các hệ thống thông tin tại bệnh viện; quy định và giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng CNTT y tế và hồ sơ bệnh án điện tử, trong đó tập trung xây dựng kết cấu chi phí CNTT trong chi phí dịch vụ y tế.
Cùng với việc hướng dẫn cụ thể các cơ sở y tế về trình tự ứng dụng CNTT khi triển khai bệnh án điện tử, triển khai chữ ký số, chữ ký điện tử, ông Trần Quý Tường đã nêu 4 giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, gồm: Bộ Y tế sẽ quy định chuẩn thông tin thanh toán điện tử trong Y tế; xây dựng chuẩn kết nối giữa ngân hàng và hệ thống thông tin bệnh viện – HIS; xây dựng chuẩn kết nối thanh toán giữa thẻ Napas với HIS; và xây dựng và ban hành chuẩn thanh toán QR y tế.
“Qua thực tế thời gian qua ở các bệnh viện, có 2 điểm nghẽn chính trong thanh toán diện tử ở các bệnh viện cần khắc phục trong thời gian tới là phí dịch vụ thanh toán điện tử còn cao, Bộ Y tế sẽ đề nghị Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước xem xét nội dung này; người dân chưa có thói quen thanh toán điện tử, do đó cần đẩy mạnh truyền thông về tiện lợi của thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt đến nhân dân”. ông Trần Quý Tường chia sẻ.