Những cây cầu nối ngàn niêm vui của đồng bào dân tộc
Sắp tới, những cây cầu sẽ giúp người dân An Lương không còn cảnh đi bè mảng qua sông nữa. |
Tại tỉnh Yên Bái phong trào này cũng diễn ra ở 4 huyện là Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên và Văn Chấn. Đã có rất nhiều cây cầu được hoàn thành và đưa vào sử dụng mang đến niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại giao thương phát triển kinh tế, các em nhỏ tự tin đến lớp.
Đến xã An Lương, huyện Văn Chấn những ngày này, bà con nông dân của 3 thôn Sài Lương 1, Sài Lương 2 và Sài Lương 3 đang háo hức chờ đợi ngày cây cầu Khe Bành nối liền 3 thôn đi vào sử dụng. Được khởi công từ cuối tháng 8 năm 2015, cây cầu Khe Bành 2 nhịp với kết cấu bê tông cốt thép, dài 20m, rộng 4m do tỉnh đoàn Yên Bái thực hiện với số tiền đầu tư trên 700 triệu đồng. Sau 3 tháng thi công, cây cầu đang trong giai đoạn hoàn thành, sẽ mang đến niềm vui cho trên 100 hộ dân của 3 thôn đặc biệt khó khăn này.
Trước đây, khi chưa triển khai xây dựng cầu tại đây, người dân của 3 thôn phải dựng tạm cầu gỗ để đi, nhưng cứ sau mỗi lần mưa lũ kéo dài, cây cầu gỗ lại bị ngập, có thời điểm mưa lũ lớn, cầu gỗ bị nước cuốn đi, bà con phải dùng bè mảng để đi lại qua suối và đưa con em đến lớp. Cũng chính vì thế mà tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân nơi đây. Xác định đây là con đường có vị trí quan trọng nối giữa 3 thôn của xã đồng thời cũng là con đường nối liền với xã Hồng Ca của huyện Trấn Yên nên ngay sau khi Trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phê duyệt đề án xây dựng cầu nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, tỉnh đoàn đã khảo sát và chọn xã An Lương để xây dựng cầu. Ngay sau khi được chọn, chính quyền xã An Lương đã phối hợp với các ngành chức năng khảo sát địa điểm, giải quyết kịp thời những vướng mắc tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công đúng tiến độ.
Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và sự ủng hộ của nhân dân công tác giải phóng mặt bằng đã diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, nhiều hộ gia đình đã tình nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất đồng thời góp công xây dựng cầu. Bên cạnh đó, sự tham gia nhiệt tình của các đoàn viên thanh niên trong xã đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thi công cầu. Giờ đây ước mơ của người dân 3 thôn đã dần trở thành hiện thực, cây cầu bê tông hoàn thành sẽ mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế xã hội của người dân nơi đây.
Nếu như ở xã An Lương, huyện Văn Chấn, cây cầu Khe Bành giúp bà con yên tâm đi lại trong mùa mưa lũ, thì ở thôn Đồng Phay, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên nhờ vào cây cầu kiên cố Khe Thủ mà con đường nông sản của cả vùng được thông suốt. Với lợi thế phát triển cây măng tre Bát Độ, trước đây đồng bào người Dao trong thôn Đồng Phay chỉ có thể dùng sức người để vận chuyển sản phẩm bán cho thương lái. Nhưng từ khi cầu Khe Thủ hoàn thành, xe ô tô đã vào đến tận địa điểm giúp tiêu thụ măng cho người dân. Để việc xây cầu được thuận lợi, đảng ủy chính quyền xã Kiên Thành đã tăng cường công tác vận động bà con hiến đất và góp công xây dựng. Được khởi công xây dựng từ tháng 4/2015, đến nay câu cầu Khe Thủ nối liền thôn Đồng Phay đã cơ bản hoàn thành đáp ứng được nhu cầu đi lại của bà con và giúp các em nhỏ đến trường được thuận lợi hơn
Cầu Khe Bành và cầu Khe Thủ chỉ là 2 trong số rất nhiều cây cầu được triển khai tại tỉnh Yên Bái từ nguồn vốn của Chính phủ. Cụ thể, năm 2014, Trung ương Đoàn TNCSHCM đã phê duyệt dự án xây dựng 15 cây cầu nông thôn tại 4 huyện thuộc tỉnh Yên Bái gồm: Lục Yên, Văn Chấn, Trấn Yên và Văn Yên. Với tổng kinh phí trên 17 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ trên 14 tỷ đồng, còn lại là do đoàn viên thanh niên đóng góp bằng ngày công lao động. Đây là đề án xây dựng cầu nông thôn tại các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, vùng đặc biệt khó khăn được Chính phủ giao cho Trung ương Đoàn TNCSHCM triển khai thực hiện với tiêu chí phải phù hợp với quy hoạch giao thông nông thôn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ưu tiên xây dựng cầu tại điểm suối, kênh, mương, giao cắt đường giao thông nối giữa các thôn, bản hoặc từ thôn, bản đến trung tâm xã, thị trấn, trường học, trạm y tế khu sản xuất tập trung có nguy cơ mất an toàn, cản trở giao thông trong mùa mưa lũ.
Tại Yên Bái, từ tháng 4/2015, tỉnh đoàn Yên Bái đã phối hợp với chính quyền các địa phương và đơn vị thi công bắt đầu tiến hành xây dựng. Kết thúc giai đoạn 1, đến nay đã có 5 cây cầu hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng tại các xã Hưng Khánh, Kiên Thành, Hòa Cuông huyện Trấn Yên; xã Trúc Lâu, Mai Sơn huyện Lục Yên. Thời gian tới tỉnh đoàn Yên Bái sẽ tiếp tục huy động lực lượng đoàn viên thanh niên thuộc hai huyện Văn Chấn và Văn Yên nhằm xây dựng 10 cầu còn lại đảm bảo tiến độ dự án phấn đấu hoàn thành trước mùa mưa lũ.
Những cây cầu nối liền bờ vui không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mưa lũ, các em nhỏ yên tâm đến trường mà còn thể hiện vai trò xung kích tình nguyện của tuổi trẻ và các tổ chức Đoàn trong xây dựng nông thôn mới góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các xã thuộc diện khó khăn.