Những biện pháp phòng ngừa tội phạm buôn bán người
Theo đánh giá của các lực lượng chức năng, hoạt động của tội phạm mua bán người diễn biến ngày càng phức tạp, số vụ việc, nạn nhân lẫn đối tượng phạm tội ngày càng gia tăng, mang tính chất xuyên quốc gia, toàn cầu hóa.
Hình thành nhiều đường dây, băng ổ nhóm sử dụng công nghệ cao, tính chất tội phạm ngày càng nghiêm trọng, với thủ đoạn hết sức tinh vi, xảo quyệt và có tính liên kết chặt chẽ với các tổ chức tội phạm trong và ngoài nước, đan xen với các tội phạm khác như: ma túy, cờ bạc, lừa đảo, mại dâm... thông qua các hành vi đưa người đi lao động nước ngoài, kết hôn, cho nhận con nuôi, thăm thân, du lịch, thương mại, mua bán nội tạng, bắt cóc phụ nữ và trẻ em...
Để công tác phòng ngừa tội phạm buôn bán người đạt hiệu quả, Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về chống buôn bán người yêu cầu các quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp tổng thể cũng như các biện pháp cụ thể trong việc phòng ngừa tội phạm.
Các quốc gia thành viên cần thiết lập chương trình toàn diện nhằm phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm buôn bán người và bảo vệ nạn nhân khỏi bị buôn bán một lần nữa và khỏi bị tiếp tục tổn hại; tăng cường sử dụng mọi biện pháp như nghiên cứu, tuyên truyền, các chiến dịch truyền thông đại chúng, các giải pháp kinh tế - xã hội, tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nhằm phòng ngừa và chống tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em; tăng cường các biện pháp lập pháp và các biện pháp khác để giảm nhu cầu dẫn đến thúc đẩy các hình thức bóc lột con người dẫn đến buôn bán người.
Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Trung Quốc phối hợp giúp đỡ nạn nhân trở về. (Ảnh: Báo Quảng Ninh) |
Để phòng ngừa tội phạm buôn bán trẻ em cũng như tội phạm khác được quy định trong Nghị định thư bổ sung với Công ước quyền trẻ em về buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, Nghị định thư đã đưa ra trách nhiệm cụ thể cho mỗi quốc gia thành viên như sau:
Thông qua hay tăng cường, thực hiện và phổ biến những văn bản pháp luật, biện pháp hành chính, chính sách chương trình xã hội để phòng ngừa những tội phạm này. Phải đặc biệt chú ý bảo vệ các trẻ em đặc biệt dễ bị tổn thương bởi những tội phạm này;
Nâng cao nhận thức của người dân nói chung, bao gồm cả trẻ em, thông tin bằng tất cả các phương tiện thích hợp, giáo dục và đào tạo về những biện pháp phòng ngừa và các tác hại của những tội phạm này. Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt là trẻ em và những nạn nhân là trẻ em, vào các chương trình thông tin, giáo dục và đào tạo, kể cả ở cấp độ quốc tế;
Thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm cấm có hiệu quả việc sản xuất và phổ biến những tài liệu quảng cáo, tuyên truyền cho các tội phạm được mô tả trong Nghị định thư.
Khái niệm “buôn bán người” trong Nghị định thư bổ sung Công ước quyền trẻ em:
Trong quy định của Công ước Quyền trẻ em không có khái niệm về buôn bán trẻ em mà khái niệm này được quy định tại Điều 2 của Nghị định thư bổ sung Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC).
Điều 2 Nghị định thư quy định buôn bán trẻ em được hiểu là bất kỳ hành động giao dịch mà qua đó trẻ em bị chuyển giao từ bất kỳ một người hay một nhóm người để lấy tiền hay đồ vật gì khác.
Theo Nghị định thư bổ sung này thì buôn bán trẻ em được xác định căn cứ vào hai dấu hiệu, một là hành vi, hai là mục đích. Tuy nhiên, khác với mục đích của định nghĩa buôn bán người tại Nghị định thư bổ sung cho Công ước TOC về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em là mục đích bóc lột, mục đích của buôn bán trẻ em quy định tại Nghị định thư bổ sung Công ước quyền trẻ em là để lấy tiền hay đồ vật gì khác.