Những ai cần tầm soát ung thư?
Đánh vào tâm lý lo sợ bệnh ung thư, hàng loạt các gói quảng cáo tầm soát ung thư được ra đời, đưa ra nhiều thông tin khác nhau về sàng lọc ung thư.
TS BS Nguyễn Triệu Vũ – Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết ông gặp rất nhiều người mang tới cho bác sĩ chỉ tờ kết quả xét nghiệm máu và đã lo lắng mất ăn mất ngủ vì chỉ số chỉ điểm ung thư bỗng nhiên cao chót vót.
Ví dụ như trường hợp của Nguyễn M.T. 33 tuổi, TP.HCM đến tìm bác sĩ Vũ với tâm trạng lo lắng vì xét nghiệm CA – 125 của bệnh nhân cao bất thường. Kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư của một cơ sở y tế cho rằng bệnh nhân có nguy cơ ung thư.
Vì sợ ung thư buồng trứng, bệnh nhân đã đi nhiều bệnh viện kiểm tra và vẫn lo lắng, cứ 2, 3 tháng lại đi kiểm tra và lúc nào cũng sợ CA tăng cao. Cuối cùng, thủ phạm được xác định khiến CA – 125 tăng cao là do bệnh nhân bị viêm âm đạo.
Có bệnh nhân đi siêu âm vú có u và cũng lo lắng mất ăn mất ngủ vì sợ ung thư vú nằng nặc đòi chụp nhũ ảnh. Dù bác sĩ tư vấn kiểu gì cũng đòi chụp trong khi đó khám đó chỉ là nhân xơ bình thường.
Hiện nay có nhiều xét nghiệm sàng lọc ung thư. Ví dụ như xét nghiệm CEA thường được quảng cáo nhằm phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, TS Vũ cho rằng chất này cũng tăng trong nhiều bệnh lý khác như ung thư phổi, bao tử, viêm phổi, viêm ruột…đối với ung thư đại trực tràng khi bệnh phát triển mới có trên 1 số người và nếu ai cũng đi xét nghiệm CEA chỉ thêm lo lắng, tốn kém.
TS Vũ cho biết người dân quá sợ ung thư vì thế các gói sàng lọc ung thư xuất hiện ngày càng nhiều.
Những ai cần tầm soát ung thư? (Ảnh minh họa) |
Ai nên sàng lọc?
BSCK II Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết một số xét nghiệm tầm soát có thể chỉ được đề xuất cho những người có nguy cơ cao mắc một số bệnh ung thư.
Bất cứ điều gì làm tăng nguy cơ ung thư được gọi là yếu tố nguy cơ ung thư. Có yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư; và không có yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ không bị ung thư.
Tuy nhiên, một số xét nghiệm tầm soát chỉ được sử dụng cho những người đã có các yếu tố nguy cơ đối với một số loại ung thư nhất định. Những người có nguy cơ mắc ung thư cao hơn những người khác là như: Người có tiền sử gia đình có người bị ung thư; hoặc có một số đột biến gen (thay đổi) có liên quan đến ung thư (trong ung thư vú, ung thư buồng trứng nếu chị em, mẹ dì có bệnh này thì tầm soát sớm và nhiều hơn).
Đối với những người này, bác sĩ Tiến cho biết họ cần được kiểm tra thường xuyên hơn hoặc bắt đầu ở độ tuổi sớm hơn những người khác. Các xét nghiệm tầm soát được thực hiện trên những người không có triệu chứng lâm sàng của bệnh.
Mỗi loại ung thư khác nhau sẽ có những phương tiện tầm soát khác nhau. Bởi vì, độ tuổi thường gặp của mỗi loại ung thư là rất khác nhau nên thời điểm bắt đầu tầm soát cũng sẽ thay đổi tùy vào loại ung thư muốn tầm soát.
BS Tiến nhấn mạnh không phải tất cả mọi người đều cần được tầm soát để tìm những bệnh lý ung thư giống nhau. Và không phải mọi người đều phải bắt đầu tầm soát ở cùng một độ tuổi. Ví dụ, những người có tiền căn gia đình có người mắc một số loại ung thư thì cần được bắt đầu tầm soát loại ung thư đó ở độ tuổi sớm hơn so với những người khác. Mỗi người cũng có khoảng thời gian giữa các lần tầm soát khác nhau.
Khi đi tầm soát nên đến các cơ sở chuyên khoa ung bướu và có thể tư vấn bác sĩ một số câu hỏi như: Tôi nên tầm soát loại ung thư gì? Có những phương tiện nào có thể được dùng để tầm soát? Tôi nên bắt đầu tầm soát lúc bao nhiêu tuổi? Bao lâu thì tôi nên tầm soát 1 lần?
Khi bạn có kết quả tầm soát bất thường thì bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm khác chuyên sâu hơn để xác định xem bạn đang gặp phải vấn đề gì. Do đó, bạn không cần phải quá lo lắng khi có kết quả bất thường cho đến khi bạn được bác sĩ chuyên ngành tư vấn cụ thể.
Khánh Chi