NHNN cảnh báo kinh doanh trái luật trên sàn Forex
“Giao dịch ngoại hối trên sàn Forex là trái pháp luật”- ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) nhấn mạnh trong bài trả lời phỏng vấn trên website Ngân hàng Nhà nước, đề cập tới hoạt động kinh doanh ngoại hối qua sàn, tài khoản đang nở rộ trở lại.
Tổ chức, cá nhân "chơi" trên sàn Forex có thể bị phạt tới 100 triêu đồng |
Dù giao dịch vàng tài khoản đã bị cấm, nhưng những sàn vàng “chui”, sàn vàng online, giao dịch ngoại tệ qua sàn... vẫn ngang nhiên hoạt động, gây nhiều rủi ro cho chính người chơi. Thay vì được gọi là sàn giao dịch ngoại hối, nay những sàn này “núp bong” dưới vỏ bọc là công ty tư vấn đầu tư.
Bản chất sàn giao dịch ngoại hối (hay còn gọi là kinh doanh sàn Forex) là hoạt động kinh doanh ngoại hối qua tài khoản, dưới hình thức giao dịch ký quỹ và giá trị ròng được định giá lại liên tục theo biến động của tỷ giá các đồng tiền hay giá hàng hóa nguyên liệu trong đó có vàng.
Điểm thu hút giới đầu tư, là giao dịch trên sàn gần như không cần bỏ vốn, hoặc chỉ cần bỏ rất ít vốn nhưng khoản lãi thu được lại rất lớn, thường là 50%/năm, cá biệt có những “công ty tư vấn đầu tư” quảng cáo khoản lãi mà nhà đầu tư sẽ được hưởng qua kênh này lên tới 100-200%/năm. Với đòn bẩy tài chính lớn, nên khả năng kiếm tiền qua sàn Forex được cho là rất nhanh, rất lớn.
Cũng chính vì vậy, bất chấp lệnh cấm, các công ty tư vấn đầu tư vẫn “mọc” ra như nấm và hoạt động công khai, rầm rộ. Theo ước tính, với sự tham gia của hàng trăm công ty kinh doanh Forex trên toàn quốc,lượng tiền mà các nhà đầu tư “đổ” vào sàn này lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Huy – Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (NHNN) thì, việc kinh doanh trên sàn Forex không phải hoạt động mua, bán ngoại hối phục vụ nhu sử dụng ngoại hối mà là hoạt động mua, bán ngoại hối nhằm đầu cơ biến động giá. “Giao dịch trên sàn Forex là bất hợp pháp nhưng vẫn có một số tổ chức và cá nhân Việt Nam tham gia hoạt động này”- ông Huy nói.
Theo quy định pháp luật hiện hành, tổ chức và cá nhân chỉ được thực hiện các giao dịch hối đoái (giao dịch giao ngay, giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, giao quyền chọn) theo quy định cụ thể của NHNN với các tổ chức tín dụng được phép (Quyết định 1452/2004/QĐ-NHNN).
Các tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện các hoạt động ngoại hối khác sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quy định cụ thể về hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối.
“Do vậy, các tổ chức và cá nhân hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch ngoại hối là trái pháp luật”- Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối khẳng định, và cho hay, theo Nghị định 95 của Chính phủ các tổ chức và cá nhân có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ và kinh doanh, mua, bán vàng không đúng quy định của pháp luật.
Ngoài rủi ro pháp lý có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng, tổ chức và cá nhân còn phải đối mặt với rủi ro phải trả phí giao dịch cho chủ sàn, trong khi chủ sàn có thể can thiệp vào quá trình giao dịch theo hướng có lợi cho họ bất lợi cho người tham gia.
“Thị trường ngoại hối là một thị trường biến động nhanh và khó lường nhất trong các thị trường tài chính, tiền tệ rất nhạy cảm với các thông tin kinh tế toàn cầu nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong khi đó, nhà đầu tư Việt Nam còn gặp hạn chế về tiếp cận thông tin nên rủi ro thua lỗ là rất cao”- ông Nguyễn Quang Huy cảnh báo.