Nhìn lại những nét đẹp văn hóa Nhật Bản nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt-Nhật
Người Nhật có cách chào hỏi cũng khác biệt |
Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ với Nhật Bản từ năm 1973. Quan hệ giữa Việt Nam-Nhật Bản phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực và đã bước sang giai đoạn mới về chất và đi vào chiều sâu.
Các mối quan hệ kinh tế chính trị, giao lưu văn hóa không ngừng được mở rộng; đã hình thành khuôn khổ quan hệ ở tầm vĩ mô; sự hiểu biết giữa hai nước không ngừng được tăng lên.
Năm 2018 là năm kỷ niệm 45 năm Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ với Nhật Bản. Nhiều năm qua, chính phủ hai nước không ngừng nỗ lực để cải thiện mối quan hệ và đưa người dân hai nước tiến lại gần nhau hơn.
Năm 2017, có gần 800.000 lượt du khách Nhật Bản sang thăm Việt Nam, đứng thứ ba trong số các nước có lượng người vào Việt Nam du lịch. Ngược lại, số du khách Việt Nam thăm Nhật Bản cũng vượt con số 300.000 lượt người…
Nhiều nét văn hóa đặc biệt nổi bật ở Nhật Bản không giống bất kỳ quốc gia nào, đã truyền cảm hứng cho không chỉ người Việt mà cả thế giới. Nhân kỷ niệm 45 năm quan hệ Việt- Nhật cùng nhìn lại những nét văn hóa đặc sắc của người Nhật nổi tiếng khắp thế giới:
Người Nhật có cách chào hỏi cũng khác biệt
Tại rất nhiều nước trên thế giới, người ta bắt tay để chào hỏi khi gặp nhau. Người Nhật thì không làm thế. Họ chỉ cúi chào thôi.
Đối với người Nhật, cúi chào không chỉ là một nét văn hóa mà còn là nghệ thuật quan trọng bậc nhất trong giao tiếp. Quy tắc chung là cúi càng thấp, càng thể hiện được sự tôn trọng với người được chào.
Người Nhật giữ phép lịch sự khi ăn uống
Trái ngược với phần lớn các nền văn hóa khác thì ở Nhật Bản, việc ăn uống là phải phát ra tiếng động. Ví dụ như khi hút ramen, súp miso... chẳng hạn, phải phát ra những âm thanh xì xụp mới được.
Đó là vì văn hóa của họ coi những âm thanh ấy là cách để tán thưởng món ăn. Nếu không phát ra tiếng, đầu bếp có thể nghĩ đồ mình nấu chưa đủ ngon và họ sẽ rất trăn trở.
Người Nhật xây dựng ý thức dọn dẹp được dạy từ thuở nhỏ
Tại World Cup tổ chức ở Nhật Bản, các cổ động viên nước chủ nhà đã khiến cả thế giới phải thán phục. Bất chấp kết quả của đội nhà là thắng hay thua, sau mọi trận đấu họ đều ở lại thu dọn khu vực khán đài.
Có thể nói tính kỷ luật và gọn gàng của người Nhật đã ăn sâu vào tiềm thức. Và để đạt được điều này cần phải kể cách người Nhật giáo dục con cái mình: Trẻ em tại đây được dạy phải có ý thức tự dọn dẹp ngay từ những năm đầu tiên đến trường
Văn hóa xếp hàng của Người Nhật
Ở Nhật Bản, người già cho đến trẻ nhỏ, bất luận là đi đến chỗ nào, muốn mua thứ gì, hay phải chờ đợi cái gì, họ cũng đều nghiêm túc xếp hàng, có ý thức không gây ồn ào cho đến khi tới lượt mình. Khi chứng kiến hình ảnh ấy, nhiều người ngoại quốc tại Nhật Bản không khỏi ngạc nhiên, thích thú.
Từ góc nhìn của người Nhật, xếp hàng không phải là văn hóa, mà là một thói quen đã được xây dựng từ lúc còn bé.
Văn hóa trà đạo của Người Nhật
Phát triển từ khoảng cuối thế kỷ VII, trà đạo đã trở thành một nghệ thuật thưởng thức trà cũng như là một nét đặc trưng trong văn hóa Nhật Bản. Với chúng ta đó chỉ là một cốc trà xanh bình thường nhưng với người Nhật cốc trà này lại rất đặc biệt vì nó mở ra trong tâm hồn họ một chân trời rộng lớn.
Họ tin rằng thông qua cách uống trà và thưởng thức trà đạo, con người có thể tìm thấy được giá trị tinh thần cần có của bản thân mỗi con người. Tinh thần của trà đạo được biết đến qua bốn chữ : hòa- kính- thanh- tịch.
Trong đó, "Hòa" chính là là hòa bình; "Kính" là tôn trọng người trên, yêu thương bè bạn, con cháu; "Thanh" là thanh tịnh, thanh khiết; "tịch" tức là giới hạn mỹ học cao nhất của trà đạo an nhàn
Người Nhật luôn luôn đúng giờ
Nhiều người nước ngoài khi mới đến Nhật Bản đều cảm thấy rất ngạc nhiên khi thấy tàu điện tại đây chạy rất đúng giờ. Luôn là như thế. Người Nhật rất nghiêm khắc với bản thân về chuyện giờ giấc.
Đúng giờ là một đức tính cần thiết ở một xã hội văn minh, nó nói lên độ tin cậy và tinh thần tôn trọng người khác.