Nhiều quan chức địa phương Trung Quốc bị sa thải sau vụ người phụ nữ bị chồng bạo hành
Một số quan chức địa phương ở Trung Quốc bị cách chức, sau khi người phụ nữ bị chồng bạo hành được xác định là nạn nhân của bọn buôn người.
Hôm 23/2, chính quyền tỉnh Giang Tô thông báo tổng cộng 17 đối tượng đã bị xử phạt hoặc đang bị điều tra liên quan tới vụ việc một người phụ nữ bị chồng ngược đãi. Người phụ nữ trung tuổi được xác định là nạn nhân của nạn buôn người.
Nhân vật chính trong vụ việc là bà Yang sinh sống ở ngôi làng của huyện Phong thuộc tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Trong đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội và gây chấn động dư luận Trung Quốc hồi tháng Một, bà Yang được nhìn thấy chỉ mặc bộ quần áo mỏng manh, bị chồng buộc xích vào cổ và nhốt trong một căn lều tạm bợ khi nhiệt độ dưới 0 độ C.
Bà Yang, nạn nhân của bọn buôn người, được đưa tới viện điều trị sau khi bị chồng bạo hành. (Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu) |
Chính quyền địa phương từng tuyên bố bà Yang và chồng làm đám cưới hợp pháp vào năm 1998 và bà Yang được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần. Bà Yang hiện là mẹ của 8 đứa con.
Trong số những người bị cơ quan chức năng điều tra và xử lý có ông Lou Hai, bí thư đảng ủy huyện Phong bị cách chức. Ông Zheng Chunwei, người đứng đầu huyện Phong cũng được yêu cầu từ chức, theo báo cáo từ nhóm điều tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô và chính quyền tỉnh Giang Tô.
Sau quá trình điều tra, bà Yang được xác định có tên khai sinh là Xiao Huamei và chào đời tại một ngôi làng ở tỉnh Vân Nam vào năm 1977. Bà Yang là nạn nhân của bọn buôn người. Tới tháng 6/1998, bà Yang bắt đầu chung sống với ông Dong tại huyện Phong.
Trong những năm sau đó, bà Yang lần lượt hạ sinh 8 người con. Bà được chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt và bị bệnh nha chu nghiêm trọng. Hiện bà Yang được điều trị tại bệnh viện. Hộ tống người phụ nữ trung tuổi là các quan chức địa phương và người con trai cả.
Ngoài ra, con út của bà Yang do còn nhỏ nên đã được chuyển cho nhân viên chăm sóc được chính quyền địa phương chỉ định.
Người chồng của bà Yang là ông Dong đã bị bắt giữ trước cáo buộc bạo hành vợ. Theo đó, ông Dong bị tình nghi kể từ năm 2017 thường buộc xích vào cổ và đánh đập vợ mỗi lần bà phát bệnh. Ông Dong cũng đang bị điều tra vì tội mua người bị bắt cóc.
Những đối tượng bị điều tra còn gồm một phụ nữ họ Sang và người đàn ông họ Shi. Hai người này bị nghi ngờ đã bắt cóc và bán bà Yang.
Một số người khác bị tình nghi liên quan tới đường dây buôn bán phụ nữ mà bà Yang là một nạn nhân cũng đã bị cơ quan chức năng điều tra.
Bản điều tra của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tại tỉnh Giang Tô và chính quyền tỉnh Giang Tô nhấn mạnh, vụ án của bà Yang đã phơi bày nhiều vấn đề và lỗ hổng trong các cấp có thẩm quyền liên quan tới hoạt động bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em, hỗ trợ và chăm sóc các nhóm đặc biệt. Trong quá trình điều tra, 4.600 người đã được lấy lời khai và hơn 1.000 tài liệu ở tỉnh Giang Tô, Vân Nam và Hà Nam được lật dở lại.
Chính quyền tỉnh Giang Tô khẳng định sẽ triển khai chiến dịch đặc biệt trấn áp tình trạng vi phạm quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, cùng nhóm người khuyết tật hoặc bị bệnh tâm thần.
“Buôn bán phụ nữ là vi phạm các quyền cơ bản của con người và đang trở thành vấn nạn toàn cầu”, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời nhà nghiên cứu Qi Jianjian tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Theo bà Qi, nhiều quốc gia trên thế giới đã thi hành các bộ luật nhằm xóa bỏ nạn buôn bán phụ nữ, nhưng tình trạng vi phạm chưa chấm dứt.
Cũng theo bà Qi, chiến dịch ngăn chặn nạn buôn người cần được tập trung ở những khu vực xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng nhất là ở các vùng nghèo khó.
Bà Qi khẳng định cần có thêm các biện pháp xử lý mạnh tay đối với người mua phụ nữ bị bắt cóc. Bởi họ có thể là đối tượng sẽ cưỡng hiếp, cưỡng ép lao động, bắt cóc và thậm chí đánh đập nạn nhân. Theo nhà nghiên cứu, việc xem kẻ mua ít tội hơn kẻ buôn người là sai lầm.
Bà Qi kiến nghị các phương pháp công nghệ như xét nghiệm mẫu ADN, định vị GPS và nhận diện khuôn mặt sẽ hỗ trợ đắc lực cho công tác ngăn chặn nạn buôn bán phụ nữ. Bởi những phương pháp này đã được Bộ Công an Trung Quốc sử dụng và mang lại hiệu quả tốt trong các vụ việc đưa trẻ em bị bắt cóc về đoàn tụ với người thân.
Chính sách một con được thi hành hàng chục năm ở Trung Quốc, cùng tư tưởng thích sinh con trai khiến đất nước tỷ dân rơi vào cảnh mất cân bằng giới tính nghiêm trọng khi có tới hàng triệu nam giới ế vợ.
Một số gia đình nhất là ở vùng nông thôn còn tìm cách mua các bé gái mồ côi hoặc là con nhà nghèo sau đó nuôi dưỡng để biến thành vợ cho con trai, dù tảo hôn đã bị cấm ở Trung Quốc vào năm 1950.
Giáo sư Huang Zhongliang tại Viện Nghiên cứu An ninh Công cộng thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhấn mạnh một phân tích với hơn 1.000 hồ sơ hình sự từ năm 2000 – 2017 cho thấy, phần lớn kẻ buôn người là đàn ông có trình độ học vấn thấp. Ngoài ra, đa phần người mua là đàn ông độc thân muốn mua phụ nữ về để sinh con nối dõi.
Cũng theo ông Huang, đa phần nữ giới bị bắt cóc trong độ tuổi từ 14 – 30, và phần lớn mắc bệnh tâm thần hoặc là người nước ngoài.
Người mẹ 8 con nghi bị chồng bạo hành, buộc dây xích vào cổ trong căn lều tồi tàn
Người mẹ 8 con sống trong căn lều tồi tàn, mặc quần áo mỏng trong khi nhiệt độ xuống dưới 0 độ C và còn bị chồng buộc xích vào cổ.
Minh Thu (lược dịch)