Nhiều lao động trẻ tại các làng nghề thiếu kỹ năng an toàn lao động
Ngày 14/11, tại Hà Nội, Cục An toàn lao động (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội), Văn phòng ILO tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo tham vấn đối với các tài liệu tập huấn về an toàn vệ sinh lao động trong khu vực phi kết cấu.
Ông Nguyễn Anh Thơ, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết: Hiện nay, trên thực tế, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, người lao động trong các làng nghề, trong nông nghiệp, đặc biệt là lao động trẻ còn nhiều hạn chế, thiếu kiến thức cơ bản về những quy định luật pháp về an toàn vệ sinh lao động. Họ cũng không có các kỹ năng cần thiết để có thể đánh giá, nhận dạng được các nguy cơ, rủi ro nơi làm việc; hầu hết người lao động đều chưa được đào tạo, huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.
Quang cảnh hội thảo. |
Trong số 36 triệu lao động khu vực phi chính thức, có khoảng 10% lao động trẻ từ 18-24 tuổi làm việc tại khu vực làng nghề cần tập huấn về an toàn, môi trường lao động.
Luật An toàn Vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2016 quy định mở rộng đối tượng đảm bảo an toàn lao động khu vực phi chính thức. Do đó, việc xây dựng tài liệu tập huấn và mở rộng các lớp tập huấn tại các làng nghề sẽ là trọng tâm trong thời gian tới do đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ cao về mất an toàn lao động.
“Trước mắt, việc hướng dẫn đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường lao động tập trung vào các mô hình làng nghề đã thực hiện điểm về an toàn lao động; tập trung đảm bảo an toàn lao động ở các khâu liên quan đến điện, phòng chống cháy nổ, hóa chất”, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết.
Liên quan đến việc đảm bảo an toàn tại các làng nghề, ông Vũ Như Văn, Phó Chủ tịch Hội An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết: Qua khảo sát tại các làng nghề của 2 tỉnh Hưng Yên và Phú Thọ cho thấy các làng nghề đã có cải thiện điều kiện làm việc (từ thủ công sang sử dụng máy, thiết bị); lao động trẻ chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, môi trường lao động chật hẹp, tình trạng ô nhiễm còn nhiều; người lao động hầu như không được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; chưa được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động, thiếu kiến thức về lĩnh vực này. Từ đó các chuyên gia đã rà soát, thu thập thông tin về các nguy cơ an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và xây dựng bộ tài liệu tập huấn an toàn vệ sinh lao động trong làng nghề (gồm 06 tờ rơi và 01 tờ gấp), tập trung vào các mối nguy đặc thù với lao động trẻ (từ 15 - 24 tuổi).
Từ thực tế các làng nghề mộc tại Hưng Yên, các chuyên gia an toàn lao động nhận thấy có khoảng 30% tai nạn lao động xảy ra trong quá trình vận chuyển nên xây dựng các nguyên tắc cơ bản về sắp xếp, vận chuyển vật liệu và sản phẩm gia tăng tính hợp lý, giảm bớt thao tác và nâng cao hiệu quả sản xuất và an toàn lao động. Với môi trường làm việc, việc làm sạch cửa sổ, nền nhà có thể làm tăng độ sáng tới 20% được các chuyên gia tư vấn về phương pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, chiếu sáng tại nơi làm việc, xử lý thông gió…
Cũng theo ông Nguyễn Anh Thơ, trên cơ sở tài liệu đúc kết từ các mô hình làng nghề vừa làm thí điểm, Cục An toàn lao động hỗ trợ huấn luyện, mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng để người lao động và chủ doanh nghiệp tại các làng nghề có kiến thức, kỹ năng và cải thiện điều kiện làm việc.
Tại hội thảo đại diện Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện khoa học Lao động xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trình bày tham vấn đối với tờ gấp truyền thông về An toàn và sức khỏe nghề nghiệp trong nghề Đúc Đồng mỹ nghệ và nghề sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ, trong nghề sản xuất hương nhang, nghề tái chế rác, nghề sản xuất miến rong, nghề trồng và chế biến chè... và tiếp thu ý kiến để hoàn thiện tài liệu huấn luyện an toàn vệ sinh lao động.