Nhiều khó khăn trong thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở Sơn La
Sơn La có 12 dân tộc sinh sống |
42,8 % người dân có hố xí hợp vệ sinh
Theo báo cáo của Ban Dân tộc, tỉnh Sơn La trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện được các cấp đảng ủy, chính quyền quan tâm chỉ đạo triển khai thông qua việc tăng cường huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực thực hiện các chương trình, chính sách có liên quan để đạt được các chỉ tiêu đặt ra; bên cạnh đó, quá trình triển khai thực hiện đã được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, tạo được sự đồng thuận, nhất quán trong nhận thức, chỉ đạo điều hành và tổ chức triển khai thực hiện.
Các chỉ tiêu thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thống kê bằng các số liệu cụ thể qua từng năm; cùng với đó là việc hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo điều hành và triển khai thực hiện nhằm hướng tới đạt được mục tiêu mà UBND tỉnh giao cho các cơ quan quản lý thực hiện theo lĩnh vực chuyên ngành cụ thể, rõ ràng và đơn giản hóa, giúp cho các cấp cơ sở triển khai thực hiện thuận lợi, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Kết quả thực hiện các chỉ tiêu đã đạt được qua 2 năm thực hiện từ 2016, 2017, phần lớn phát triển theo chiều hướng tích cực. Duy nhất có chỉ số về tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số được sử dụng hố xí hợp vệ sinh, qua thống kê số liệu của 05/12 huyện, thành phố, mới đạt ở mức bình quân là 42,8% trong năm 2017.
Khó khăn chồng chất
Theo Ban Dộc tộc tỉnh Sơn La, công tác thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ dành cho dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn như việc huy động, lồng ghép tập trung các nguồn lực thực hiện chính sách chưa thực sự đồng bộ; số lượng các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số lớn, địa bàn rộng, địa hình phức tạp,trình độ dân trí chưa cao khó khăn cho việc lồng ghép các nguồn lực thực hiện.
Nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách cấp hàng năm của Trung ương, tỉnh và các huyện, thành phố có hạn; việc huy động sức dân gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các chỉ tiêu đề ra.
Cơ sở vật chất trường, lớp học đã được quan tâm đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh, bền vững hiện nay; các nguồn lực tài chính đầu tư thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục - xóa mù chữ của tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 chưa được phân bổ đúng, đủ theo lộ trình, dẫn đến phòng học kiên cố, phòng chức năng và nhà công vụ giáo viên thiếu, phòng học tạm chiếm tỷ lệ cao, bộ đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu cho lớp mầm non 5 tuổi chưa đồng bộ, công trình vệ sinh, nước sạch ở các cấp học, bậc học chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Công tác xã hội hóa giáo dục mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song việc triển khai cơ chế, chính sách còn hạn chế, chậm; đội ngũ giáo viên đủ tiêu chuẩn còn thiếu so với trường, lớp học hiện có; biên chế được giao hàng năm không kịp thời, chưa đáp ứng được nhu cầu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Công tác hướng dẫn tổng hợp, kiểm tra giám sát việc rà soát hộ nghèo, cận nghèo của một số xã không kịp thời, thiếu chặt chẽ và chưa đảm bảo tính chính xác, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng rà soát hộ nghèo của toàn tỉnh.
Môi trường tự nhiên và xã hội thay đổi phức tạp như: biến đổi kkhí hậu,thiên tai, ô nhiễm môi trường do nhu cầu phát triển kinh tế, tệ nạn xã hội, dẫn đến nguy cơ, tiềm ẩn phát sinh những bệnh dịch mới, thay đổi bất thường, khó khăn cho công tác phòng và điều trị bệnh.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn sâu của các đơn vị y tế còn thiếu (đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp xã) chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trong khám, chữa bệnh cho đồng bào, một số huyện chưa có kinh phí hỗ trợ cho cô đỡ thôn, bản, do vậy ảnh hưởng việc triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho đồng bào.
Hạn chế về cơ sở vật chất, phương tiện và các kỹ năng vận hành, sử dụng các phần mềm công nghệ cao theo lĩnh vực chuyên ngành để hỗ trợ, xử lý chính xác nhằm nâng cao hiệu quả công việc trong thực thi công vụ.