Nhiều giải pháp thực hiện tiêu chí điện và cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn
Theo Bộ Công Thương, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng, tuy nhiên tính đến tháng 8/2019, tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 4 chưa đạt mục tiêu của Chính phủ giao (mục tiêu 100% số xã đạt tiêu chí số 4); tổn thất điện năng ở một số nơi còn cao; tình trạng vi phạm hành lang lưới điện cao áp vẫn diễn biến phức tạp; việc đầu tư cho điện nông thôn chi phí cao, suất đầu tư lớn, không được hỗ trợ từ nguồn vốn của Chương trình xây dựng NTM, nguồn lực thu hút vốn đầu tư vào lưới điện chủ yếu là vốn của ngành điện nên việc đầu tư cải tạo lưới điện nông thôn để thực hiện tiêu chí còn hạn chế, chưa kịp thời....
Đối với tiêu chí số 7 về Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn: nhu cầu nguồn lực ngân sách để xây dựng chợ rất lớn, trong khi khả năng ngân sách địa phương có hạn, hầu hết các chợ nông thôn thường họp theo phiên, theo buổi, số hộ kinh doanh cố định tại chợ ít nên khó thu hút đầu tư xây dựng chợ, công tác xã hội hóa đầu tư gặp nhiều khó khăn; Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ còn hạn chế do nhân lực ít, cán bộ tuyến xã, phường kiêm nhiệm nhiều chương trình cùng lúc và phần đông chưa được đào tạo về nghiệp vụ quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thiếu tính hệ thống, chưa thực sự gắn kết để phối hợp triển khai thực hiện…
Với quan điểm, ưu tiên mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống lưới điện nông thôn, phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, theo hướng văn minh, hiện đại Bộ Công Thương đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp như tiếp tục phát động và nâng cao chất lượng phong trào thi đua “ngành Công Thương chung sức xây dựng nông thôn mới”; quán triệt tư tưởng “Xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”.
Nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp để khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước tham gia vào đầu tư phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo; xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng các dự án chợ nông thôn, đặc biệt là các dự án thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, góp phần cải thiện đời sống sản xuất, tiêu dùng của nhân dân, đồng thời hoàn thiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM…
Bộ Công Thương cũng kiến nghị với Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương có cơ chế riêng để huy động đầu tư, cải tạo lưới điện nông thôn, có chính sách cụ thể hỗ trợ cho ngành điện, các đơn vị, tổ chức đầu tư hạ tầng kỹ thuật, quản lý lưới điện nông thôn như: được vay vốn ưu đãi, giá mua - bán điện, thuế doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ huy động mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ, hạ tầng thương mại nông thôn.
Chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương đưa các nguồn vốn ngân sách Trung ương, đặc biệt là các nguồn vốn ODA viện trợ không hoàn lại về các khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo; xem xét bố trí vốn ngân sách để thực hiện dự án “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2015-2020”…
Bộ Tài chính khẩn trương ban hành hướng dẫn UBND các tỉnh/thành phố, EVN và các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện công tác bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn để sớm ổn định công tác quản lý vận hành, đảm bảo an toàn, hiệu quả cho lưới điện khu vực nông thôn.
Hướng dẫn xác định giá trị tài sản còn lại đối với các chợ đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước khi chuyển đổi sang mô hình HTX quản lý chợ.
Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9211:2012 thiết kế chợ cho phù hợp với địa phương.
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố ưu tiên bố trí vốn ngân sách hàng năm của cấp tỉnh để thực hiện đầu tư cấp điện cho các hộ chưa có điện khi ngân sách Trung ương chưa bố trí vốn, vì các dự án này mang tính công ích, thực hiện mục tiêu an sinh xã hội nên không thể vay vốn thương mại để đầu tư…