Nhiều địa phương hưởng ứng Tháng Hành động phòng, chống HIV/AIDS
Diều hành kêu gọi cộng đồng chung tay phòng, chống HIV/AIDS |
Hải Phòng: Gần 5.000 người tham gia mít tinh phòng, chống HIV/AIDS
Ngày 29/11, tại Quảng trường Nhà hát thành phố (TP) ải Phòng, Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 được tổ chức với sự tham gia của khoảng 5.000 người bao gồm lực lượng học sinh, sinh viên, Đoàn Thanh niên, các lực lượng vũ trang; các câu lạc bộ, nhóm tự lực người có H, nhóm tuyên truyền viên cắt tóc phòng, chống HIV/AIDS…
Tính đến đầu tháng 10/2014, TP Hải Phòng phát hiện 7.492 người nhiễm HIV còn sống và 3.296 người tử vong do AIDS. Số bệnh nhân đang theo dõi điều trị là 4.272 người (57%), trong đó có 147 trẻ em.
Trong 9 tháng năm 2014, TP phát hiện 180 người nhiễm mới, giảm so với cùng kỳ năm 2013 là 34 người (16%) và tử vong 10 người, giảm so với cùng kỳ năm 2013 là 16 người (62%). Người nhiễm HIV mới phát hiện vẫn tập trung ở nhóm nghiện chích ma túy, duy trì tăng lây qua quan hệ tình dục, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch qua quan hệ tình dục không an toàn. Kết quả Giám sát hành vi kết hợp chỉ số sinh học HIV/STI cho thấy chiều hướng nhiễm HIV tăng ở phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới sử dụng ma túy.
Hiện Hải Phòng đang tập trung triển khai nhiều hoạt động hướng tới chủ đề "Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS". Cụ thể như, tổ chức hội nghị, hội thảo, truyền thông vận động thay đổi hành vi, kêu gọi cộng đồng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS.
Thái Nguyên: Chung tay giúp người nhiễm HIV/AIDS hòa nhập cộng đồng
Cùng ngày, Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức mít tinh, diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS với sự tham gia tích cực của cộng đồng.
Tính lũy kế đến hết tháng 9/2014, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên phát hiện gần 10.000 người nhiễm HIV. 179/180 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh phát hiện người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở nhóm tuổi 20-39 tuổi; tỷ lệ nhiễm là 622 người/100.000 dân.
Tại lễ mít tinh Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tỉnh kêu gọi các cấp, các ngành tích cực tham gia vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, tạo thành phong trào rộng khắp, không phân biệt đối xử với những người chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS; cùng chung tay, chia sẻ, động viên những người nhiềm HIV/AIDS hòa nhập với cộng đồng.
Bên cạnh đó tăng cường các biện pháp hỗ trợ thiết thực, hiệu quả, đảm bảo mục tiêu để mọi người đều được tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tốt nhất, nhằm hướng tới mục tiêu ba không: "Không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV".
Nghệ An: Nhân rộng nhiều mô hình phòng, chống HIV/AIDS
Để nâng cao nhận thức cũng như đấu tranh phòng, chống nhiễm, lây lan bệnh HIV/AIDS, Sở Y tế Nghệ An đã tổ chức mít tinh hưởng ứng ngày thế giới phòng chống HIV/AIDS tại huyện Tương Dương với chủ đề “Không kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, hướng tới không còn người nhiễm mới HIV và người tử vong do AIDS”.
Tương Dương là huyện có tỷ lệ người nghiện ma túy, nhiễm HIV/AIDS cao so với toàn tỉnh Nghệ An, với trên 1.237 người nghiện và 895 người nhiễm HIV/AIDS.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Nghệ An là tỉnh phát hiện số người nhiễm HIV cao, đứng thứ 6 cả nước. Tính đến cuối tháng 10/2014, 87,3% xã, phường, thị trấn phát hiện người nhiễm, với trên 7.630 người nhiễm được phát hiện, số người nhiễm còn sống được can thiệp là gần 5.010.
Trong những năm qua, nhờ những hoạt động tích cực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV đã được mở rộng, số bệnh nhân điều trị ARV cũng tăng cao. Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung nhân rộng mô hình điều trị Methadone và đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm hại giúp người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS.
Bên cạnh đó, mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn toàn tỉnh cũng được củng cố, nhân rộng rộng nhằm giảm số người nhiễm mới HIV, tỷ lệ chết do AIDS, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS.
Trong dịp này, Sở Y tế Nghệ An cũng đã tổ chức khai trương cơ sở điều trị Methadone tại huyện Tương Dương.
Quảng Ninh: Thoát khỏi danh sách 10 tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất
Sáng ngày 30/11, tại Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc tỉnh cũng đã tổ chức Lễ mít tinh với chủ đề “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS”.
Năm 2014 là năm đánh dấu tròn 20 năm tỉnh Quảng Ninh triển khai, thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của các ngành, đoàn thể và nhân dân, Quảng Ninh từ một tỉnh nằm trong 10 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV cao nhất cả nước, đến nay đã ra khỏi danh sách đó.
Tính đến tháng 6/2014, dịch HIV/AIDS phát hiện ở 14/14 huyện, thị xã, thành phố và 165/186 xã, phường, thị trấn trong tỉnh; số người nhiễm hiện còn sống và xác định đúng địa chỉ là 5.200 người; số người đã tử vong do HIV/AIDS là 4.905 người.
Hiện Quảng Ninh đang tập trung mở rộng mô hình điều trị Methadone nhằm giảm thiểu số người nhiễm HIV trên địa bàn. Chương trình này đã được triển khai tại 4 cơ sở (Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đông Triều) với tổng số 819 bệnh nhân đang điều trị.
Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai thêm 1 cơ sở điều trị Methadone tại Uông Bí và 2 cơ sở vệ sinh tại TP Hạ Long nhằm đảm bảo đủ cung cấp dịch vụ cho 1.100 người nghiện ma túy.
Quảng Trị: Xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS
Hưởng ứng tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức Lễ mít tinh tại Nhà văn hoá Trung tâm thị trấn Khe Sanh huyện Hướng Hóa với đông đảo sự tham gia của cộng đồng.
Tại Lễ mít tinh, nội dung được nhấn mạnh là xóa bỏ biểu hiện của kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS và có nguy cơ cao lây nhiễm. Đây cũng là nguyên nhân chính làm gia tăng số người nhiễm HIV.
Bên cạnh công tác đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và tổ chức mít tinh, diễu hành đồng loạt trên địa bàn tỉnh trong ngày 1/12, các ban ngành, đoàn thể từ cấp tỉnh đến xã, phường thuộc tỉnh Quảng Trị cũng tổ chức nhiều hoạt động phối hợp với ngành y tế như thảo luận nhóm, tư vấn, xét nghiệm HIV tự nguyện tại vùng sâu, vùng xa cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao; thăm hỏi, động viên người nhiễm HIV, giới thiệu họ đến cơ sở điều trị để họ được tiếp cận với thuốc kháng virus (ARV); huy động các ban ngành, đoàn thể vận động gia đình và người nghiện chích ma túy tiếp cận cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone…
Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Quảng Trị cũng sẽ phối hợp trao tặng nhiều suất quà cho trẻ nhiễm HIV, bị ảnh hưởng bởi HIV trên địa bàn tỉnh và trao 2 suất quà trị giá 10.000.000 đồng cho 2 gia đình người nhiễm HIV/AIDS gặp khó khăn trên địa bàn để giúp họ có vốn chăn nuôi, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống…
Yên Bái: Tạo điều kiện để người nhiễm HIV tự cởi bỏ kỳ thị bản thân
Ngày 29/11, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Yên Bái phối hợp với Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2014 và Ngày Thế giới phòng, chống HIV/AIDS với sự tham gia của hơn 2.000 cán bộ, đoàn viên, thanh niên thuộc khối các cơ quan tỉnh, lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên các trường học trên địa bàn thành phố Yên Bái.
Tính đến hết tháng 10/2014, Yên Bái phát hiện 4.992 người nhiễm HIV, trong đó 1.445 người đã tử vong do AIDS, số người nhiễm hiện đang còn sống là 3.547 người.
Thời gian qua, Yên Bái chú trọng các chính sách đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi được triển khai thường xuyên, rộng khắp tại 100% huyện, thị xã, thành phố, xã phường, thị trấn với nhiều hình thức.
Tỉnh cũng tập trung chương trình can thiệp giảm hại, chương trình điều trị thay thế nghiện các dạng thuốc phiện bằng Methadon nhằm góp phần giảm thiểu lây nhiễm HIV trong nhóm đối tượng nguy cơ cao và từ nhóm nguy cơ cao lan ra cộng đồng. Ngoài ra, hệ thống phòng khám ngoại trú phục vụ cho bệnh nhân HIV/AIDS cũng được triển khai tại tất cả các huyện, thị.
Thời gian tới, Yên Bái sẽ vận động nguồn lực tài chính ổn định cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông; tăng cường quảng bá về lợi ích của việc tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS sẵn có tại địa phương…
Bên cạnh đó, tạo điều kiện để người nhiễm HIV và gia đình tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS, tự cởi bỏ sự kỳ thị vởi bản thân, cùng toàn xã hội phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS.