Nhiều địa phương chủ động ban hành chính sách đẩy nhanh thực hiện Nông thôn mới
Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 Hội nghị lần thứ 7, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình hành động của Chính phủ (Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 với các mục tiêu cụ thể đến năm 2015 là: trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của dân cư nông thôn tăng gấp trên 1,5 lần; giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới 8% (theo chuẩn 2010).
Đánh giá 5 năm triển khai thực hiện chương trình Nông thôn mới, Ban chỉ đạo Trung ương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho biết, năm triển khai thực hiện, Chương trình đã đạt được nhiều kết quả. Về công tác chỉ đạo triển khai chương trình, Ban Chỉ đạo các cấp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã đã được hình thành.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã xây dựng và phối hợp tổ chức thực hiện Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời hệ thống văn bản về cơ chế chính sách đã được ban hành, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình.
Sau 5 năm thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 18 Quyết định, 03 Chỉ thị và văn bản chỉ đạo; các Bộ, ngành đã ban hành 35 Quyết định, 34 Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện các cơ chế chính sách, nội dung chương trình.
Nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, điển hình như:
Các tỉnh Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Vĩnh Phúc, Ninh Bình...đã ban hành chính sách cấp xi măng, ống cống, hỗ trợ máy trộn bê tông... để dân tự làm đường;
Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Lâm Đồng đã ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất, nâng mức cho vay để triển khai các chương trình, dự án xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2014 đã có nhiều tỉnh, thành phố thực hiện việc hỗ trợ lãi suất để đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp (tỉnh Đồng Nai hỗ trợ 30-40% vốn đầu tư cho các dự án ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm);
Thành phố Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Bình Định, ban hành chính sách hỗ trợ dồn điền, đổi thửa, mua máy móc nông nghiệp;
Tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nghệ An...có chính sách thưởng xã về đích sớm để khuyến khích các xã làm tốt (tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc thưởng tối thiểu 01 tỷ đồng/xã);
Các tỉnh Hà Tĩnh, Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh...đã ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của phong trào xây dựng nông thôn mới, ngay từ những năm đầu, nhiều địa phương đã nhanh chóng chỉ đạo các huyện, xã tập trung thực hiện các nội dung của Chương trình như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Lâm Đồng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Hà Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc... Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở cơ sở cũng được các địa phương chú trọng và thường xuyên thực hiện. Điển hình như tỉnh Hà Tĩnh, định kỳ vào ngày thứ Bảy hàng tuần, Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức đi kiểm tra tiến độ triển khai xây dựng nông thôn mới ở cơ sở.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Trung ương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho rằng vẫn còn một số cơ chế chính sách của Trung ương chậm đi vào cuộc sống (chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn) hoặc một số cơ chế chính sách chậm được ban hành (chính sách liên kết sản xuất - chế biến tiêu thụ nông sản trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cơ chế hỗ trợ huyện, tỉnh chỉ đạo điểm của Trung ương...).
Một số tỉnh, thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn “rập khuôn” các cơ chế, chính sách của Trung ương, chưa bám sát tình hình thực tế của địa phương, nhất là trong áp dụng các tiêu chí cơ sở hạ tầng nông thôn (chợ, trạm y tế, kiên cố hóa kênh mương...) nên đã gây lãng phí nguồn lực và thắc mắc trong nhân dân.