Nhiều ca F0 ở Hà Nội tự ý di chuyển vào bệnh viện
Đến nay khi thành phố Hà Nội đã cho F0 cách ly, điều trị tại nhà, nhiều người tự test nhanh có kết quả dương tính đã tự ý vào bệnh viện gây khó khăn cho công tác điều trị và nguy cơ lây lan dịch.
PGS Hoàng Bùi Hải – Phó Giám đốc BV Covid-19 Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hiện nay số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng cao thì số bệnh nhân nặng cũng có xu hướng gia tăng. Hiện tại cần tuyên truyền ý thức phòng bệnh cá nhân nhiều hơn và quan trọng nhất đó là làm thế nào để các F0 không có triệu chứng không cần nhập viện theo dõi.
Nếu đã tiêm phòng, các trường hợp F0 triệu chứng nhẹ như cảm cúm hoàn toàn có thể cách ly và điều trị tại nhà
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng khi số ca mắc cao như hiện tại thì phân loại sàng lọc F0 từ sớm là cách tốt nhất để giảm tỷ lệ tử vong. Bất cứ ai khi dương tính với SARS-CoV-2 có triệu chứng, có nguy cơ cần theo dõi mới phải nhập viện để giảm tải cho hệ thống y tế. Ngoài điều trị Covid-19 thì còn rất nhiều bệnh khác cần được theo dõi điều trị.
Theo dõi cách ly tại nhà. |
Ngoài ra, PGS Nhung cho biết cần tập trung tiêm vắc xin cho người cao tuổi; xây dựng mô hình điểm về y tế cộng đồng gồm tư vấn tâm lý, dinh dưỡng, tập luyện cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Đây là kinh nghiệm của tỉnh Đồng Nai và đã được đánh giá có hiệu quả giảm tỷ lệ tử vong.
Thực tế, tại Hà Nội rất nhiều bệnh nhân sau khi xét nghiệm dương tính đã tự ý vào bệnh viện.
Tại BV Thanh Nhàn, theo BSCKII. Nguyễn Thu Hường, Trưởng Đơn nguyên Phòng, chống dịch Covid-19, tại đây thường xuyên tiếp nhận trường hợp người dân tự test nhanh có kết quả dương tính rồi tự ý di chuyển tới bệnh viện.
Có ngày ghi nhận hơn 20 trường hợp. Người bệnh tâm lý lo lắng nhưng nếu họ tự đến bệnh viện không đúng phân tầng (BV Thanh Nhàn được phân điều trị tầng 2-3) sẽ ảnh hưởng đến công tác điều trị, không những thế còn có nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.
TS. Nguyễn Văn Thường, Giám đốc BV ĐK Đức Giang - Hà Nội cũng cho biết, bệnh viện cũng thường tiếp nhận các bệnh nhân tự xét nghiệm nhanh phát hiện dương tính và tự tìm đến bệnh viện. Điều cần cảnh báo là quá trình bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện mang nguy cơ cao gây lây dịch ra cộng đồng.
Hiện nay, bác sĩ Thường cho biết nếu xét nghiệm dương tính, F0 cần bình tĩnh tự cách ly tại nhà, báo cơ sở y tế địa phương, tuyệt đối không nên tự ý di chuyển nhập viện khi không có dấu hiệu gì bất thường về sức khỏe.
Theo quy định hướng dẫn cách ly tại nhà của thành phố Hà Nội, đối tượng quản lý tại nhà là người nhiễm Covid-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng, hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ như: Sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi.
Người nhiễm không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, nhịp thở 20 lần/phút, SpO2>97% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
Độ tuổi người nhiễm gồm: Trẻ em trên 3 tháng tuổi, người lớn dưới 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường, không mang thai.
Những trường hợp F0 thể nhẹ song không đủ điều kiện điều trị tại nhà, sẽ được chuyển đến tuyến y tế cơ sở, trạm y tế lưu động ở xã, phường, thị trấn. Các xã, phường, thị trấn được yêu cầu thiết lập bình quân mỗi đơn vị một trạm y tế lưu động có ít nhất 150 giường bệnh. Toàn thành phố với 579 đơn vị hành chính phường, xã, thị trấn, tổng số giường bệnh hơn 86.000.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, 7 nguyên tắc điều trị F0, trong đó theo dõi, chăm sóc các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và các ca bệnh nhẹ ngay tại nhà (nếu đủ điều kiện). Ngoài ra, tập trung điều trị tốt ngay tại tầng 1, tầng 2 cho người bệnh, tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh nặng ở tầng trên.
Mỗi cơ sở thu dung bố trí ít nhất “2 tầng điều trị” và bảo đảm tỷ lệ giường bệnh hồi sức tích cực theo phân tầng điều trị. Cùng với đó, tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, tầng trên chỉ đạo tuyến cho tầng dưới để điều trị hiệu quả ngay tại tầng dưới…
K.Chi
F0 điều trị tại nhà ở Hà Nội được chăm sóc như thế nào?
Các F0 điều trị tại nhà ngày hai lần thông báo tình hình sức khoẻ cũng như biểu hiện lâm sàng cho cán bộ y tế qua zalo, 5 ngày một lần sẽ được lấy mẫu xét nghiệm…
Vì sao sống chung nhà với F0 vẫn âm tính, 3 tình huống có thể xảy ra
Có nhiều người khi cả gia đình xét nghiệm dương tính nhưng riêng bản thân lại âm tính. Các bác sĩ cho rằng có 3 tình huống có thể xảy ra.
Bên trong 6.000 túi thuốc điều trị F0 tại nhà ở Hà Nội gồm những thuốc gì?
30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã, mỗi trung tâm sẽ được cấp 200 túi thuốc (Cơ số 1 túi gồm Paracetamol 500mgx 20 viên; Vitamin C 500mg (hoặc Multivitamin) X 20 viên).