Nhẹ dạ cả tin, cô gái trẻ 2 lần bị bán sang Trung Quốc
Năm 2012, Phạm Ngọc Hoa, sinh năm 1983, trú tại xã Minh Tiến, huyện Hữu Lũng và Nông Văn Dũng sang Trung Quốc chặt mía thuê. Dũng bảo Hoa xem ở Việt Nam có cô gái nào chưa chồng đưa sang Trung Quốc bán cho ông chủ vườn mía. Bất chấp pháp luật, Hoa liền đồng ý.
Bị cáo Hoa, Tùng khai nhận hành vi phạm tội của mình trước tòa. Ảnh: Cổng thông tin Lạng Sơn |
Đến giữa năm 2012, Hoa trở về Việt Nam bàn với Tùng làm quen với N.T.T vào tháng 6/2012, rồi tìm cách lừa đưa T sang Trung Quốc bán. Cách thức mà Hoa và Tùng sử dụng là Tùng giả vờ tán tỉnh, nói lời yêu đương, thề non hẹn biển, thường xuyên điện thoại liên lạc, gặp gỡ, rủ T đi chơi. Cả Hoa và Tùng đều đã có gia đình, nhưng để lừa được T, Tùng không chỉ dụ dỗ, dùng lời nói ngon ngọt mà sẵn sàng phản bội vợ để lấy được lòng tin của T.
Trước sự ga lăng, nhiệt tình của Tùng, T – cô gái mới lớn đã không mảy may nghi ngờ và tin vào tình yêu của Tùng. Sau khi thấy con mồi đã cắn câu, tháng 8/2012, Hoa và Tùng rủ T lên Lạng Sơn tham quan, mua sắm, T đồng ý. Sau đó, Hoa đã liên lạc với Dũng đưa T sang Trung Quốc bán. Chỉ đến khi được người đàn ông Trung Quốc nói đã mua T, T mới biết mình bị lừa thì đã muộn.
Sau khi ở Trung Quốc được 2 tháng, người đàn ông Trung Quốc và Dũng tiếp tục liên lạc qua điện thoại. Người đàn ông Trung Quốc cho Dũng đón T về. Nhưng khi gặp T, Dũng không hề có ý định đưa T về mà tiếp tục lừa dối bán T để lấy tiền. Dũng giả vờ cho T đi chơi, học nghề massage rồi tiếp tục bán T cho một người đàn ông Trung Quốc ở tỉnh Hồ Nam vào tháng 10/2012 được 1,8 vạn nhân dân tệ. T đã phải chấp nhận chung sống như vợ chồng với người đàn ông Trung Quốc.
Sau khi tạo được sự tin tưởng, đến tháng 1/2016, người đàn ông Trung Quốc cho T về Việt Nam thăm gia đình. Ngay sau khi trở về, T đến cơ quan chức năng tố cáo hành vi phạm tội của Dũng, Hoa, Tùng. Hoa, Tùng bị cơ quan chức năng bắt ngay sau đó, còn Dũng bỏ trốn, hiện đang bị truy nã.
Như vậy, chỉ vì nhẹ dạ cả tin, T đã phải trả giá quá đắt. T không chỉ bị tổn hại về thể chất lẫn tinh thần mà sau khi trở về cuộc sống rất khó khăn. N.T.T cho biết: Trước khi bị lừa bán, tôi làm nghề trông giữ trẻ, mỗi tháng thu nhập từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng, đủ trang trải cho cuộc sống. Còn hiện giờ, công ăn việc làm không có, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Đặc biệt là câu chuyện đau xót xảy ra trong cuộc đời không biết đến bao giờ mới nguôi ngoai. Chỉ biết rằng hiện giờ tương lai rất mù mịt, cuộc sống bộn bề khó khăn.
Tại phiên tòa xét xử Hoa và Tùng về tội mua bán người, bà N.T.L – mẹ của T cho biết: Sau khi con gái bị mất tích, gia đình, họ hàng đi tìm khắp nơi nhưng không thấy. Trong suốt thời gian T bị mất tích, cả gia đình buồn bã, lo âu, tinh thần sa sút. Nay con trở về nhưng thấu hiểu những mất mát quá lớn mà con phải trải qua tôi càng thêm đau xót.
Theo thống kê của lực lượng Bộ đội Biên phòng, tội phạm mua bán người càng ngày càng có những thủ đoạn tinh vi nhằm lừa gạt nạn nhân và qua mặt cơ quan chức năng. Cụ thể, khi tiếp xúc nạn nhân thường thay đổi tên, tuổi, địa chỉ và dùng nhiều số điện thoại khác nhau để làm quen và lừa gạt hoặc qua nhiều mối quan hệ để tiếp xúc, gặp gỡ và dùng những lời "đường mật" để thực hiện hành vi phạm tội, vì vậy rất khó khăn cho việc điều tra, bắt giữ.
Trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, các cơ quan chức năng luôn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do trình độ hiểu biết pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân ở vùng nông thôn còn thấp; nhận thức về tình yêu, hôn nhân và gia đình không đúng đắn, nhắm mắt chạy theo ảo vọng về một cuộc sống huy hoàng mà không cần phải tốn nhiều mồ hôi, công sức, vì thế dễ rơi vào cạm bẫy của bọn buôn người.
Khi sự việc xảy ra, do mặc cảm, xấu hổ, nhiều nạn nhân và gia đình họ không chịu báo cho chính quyền địa phương hoặc ngành chức năng biết. Mặc dù trong thời gian qua, ngành Công an và các ban, ngành, đoàn thể đã tích cực vận động, tuyên truyền, giáo dục người dân nâng cao ý thức cảnh giác về tội phạm mua bán người, các phương tiện thông tin đại chúng cũng thường xuyên đưa tin, cảnh báo về những trường hợp cô dâu Việt Nam bị ngược đãi, bị lạm dụng tình dục, thậm chí bị sát hại ở nước ngoài… thế nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ giấc mộng đổi đời bằng các cuộc hôn nhân vì mục đích vật chất.