Nhật Bản sẽ thực dụng trong quan hệ với Trung Quốc?
Ông Shinzo Abe vừa vượt qua cuộc bỏ phiếu của Hạ viện Nhật Bản để chính thức trở thành Thủ tướng tiếp theo của cường quốc Đông Á này. Đây sẽ là nhiệm kỳ thủ tướng thứ 2 của ông Abe sau nhiệm kỳ thứ nhất vào năm 2006-2007.
Là chính trị gia được cho là theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa bảo thủ, nhưng có lẽ ông Shinzo Abe sẽ hành xử thực dụng trong quan hệ với các láng giềng. |
Tuyên ngôn tranh cử của đảng ông Abe, đảng Dân chủ tự do (LDP), bao gồm các đề xuất như thay đổi Hiến pháp để Nhật Bản có quyền phát triển lực lượng quân đội của riêng mình. LDP cũng thể hiện lập trường cứng rắn trong các cuộc tranh chấp chủ quyền của Nhật Bản với các quốc gia láng giềng.
Bản thân ông Abe cũng là một người có quan điểm “diều hâu” với một ví dụ là ông khẳng định rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là “lãnh thổ không thể tách rời của Nhật Bản”.
Tuy nhiên, theo tờ Chinapost (Đài Loan), có một số biểu hiện cho thấy có thể khi trở thành thủ tướng Nhật Bản, ông Abe sẽ hành động khác với luận điệu của ông trong chiến dịch tranh cử vừa qua.
Thứ nhất, ông đã cử một đặc phái viên, phó chủ tịch LDP Masahiko Komura, tới Trung Quốc để cải thiện quan hệ hai nước. Đặc biệt là ông Abe cũng cử các đặc phái viên tới Hàn Quốc và Nga, những quốc gia mà Nhật cũng có tranh chấp chủ quyền.
Thêm vào đó, tại cuộc họp báo hôm 22/12, ông Abe nói rằng ông muốn “thực hiện những nỗ lực nhằm quay trở lại thời điểm ban đầu xây dựng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi dựa trên những lợi ích chiến lược chung” với Trung Quốc.
Mặc dù ông Abe đề xuất cử người ra quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để củng cố quyền kiểm soát của Nhật Bản, nhưng từ sau cuộc bầu cử ông chỉ nói rằng ông sẽ suy nghĩ lại về ý tưởng đó.
Trong mối quan hệ với Hàn Quốc, ông Abe cũng đã quyết định hủy buổi lễ “Ngày Takeshima” ban đầu dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22/2/2013 nhằm khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo mà Seoul đang kiểm soát và gọi là Dokdo.
Ông Abe cũng đã liên lạc với phía Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiết lộ rằng nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản mong muốn hai bên kí kết hiệp ước hòa bình.
Về phía Hoa Kỳ, ông Abe đã nói chuyện qua điện thoại với Tổng thống Barack Obama và tuyên bố trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên vào tháng tới, ông sẽ đến Washington. Ông cũng cho biết ông sẽ dịch chuyển căn cứ quân sự Futenna của Mỹ sang địa điểm mới trên đảo Okinawa theo thỏa thuận trước đó với Hoa Kỳ.
Ông Abe hiểu rằng trong cuộc bầu cử vừa qua, cử tri Nhật đã trừng phạt đảng Dân chủ Nhật Bản vì đã thất bại trong 3 năm cầm quyền vừa qua chứ không phải vì họ ủng hộ đảng ông. Phát biểu trên truyền hình sau cuộc bầu cử, ông Abe nói rằng đơn giản là cử tri Nhật đã hành động để “chấm dứt 3 năm hỗn loạn”.
Trong khi đảng Dân chủ Nhật Bản mất quyền lãnh đạo Nhật Bản nhưng họ vẫn kiểm soát hạ viện. Nếu ông Abe muốn củng cố quyền kiểm soát của đảng LDP, ông cần phải giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra vào mùa hè năm sau. Nếu không giành được chiến thắng, ông sẽ đối mặt với một nhiệm kỳ Thủ tướng bị rút ngắn lần nữa.
Vì thế ưu tiên hàng đầu của ông Abe sẽ là đưa Nhật Bản trở về con đường tăng trưởng kinh tế. Và ông đã nói rõ rằng ông hi vọng nền kinh tế Nhật sẽ bắt đầu tăng trưởng bằng cách đầu tư công với số lượng lớn.
Vì vậy, bất chấp luận điệu “diều hâu” trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Abe sẽ hành động một cách “thực dụng” về các vấn đề ngoại giao.
Tuy nhiên, mọi chuyện không hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của ông. Nếu Trung Quốc tiếp tục tỏ ra hiếu chiến trong tuyên bố chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thì ông Abe sẽ không có sự lựa chọn nào khắc mà phải cứng rắn giữ lập trường.
Nhưng nếu Trung Quốc hành xử mềm dẻo, thì ông Abe có thể cũng sẽ hàng xử như vậy.
Trung Quốc có thể lựa chọn, hoặc là tiếp tục gây sức ép với Tokyo – giống như đã từng làm với chính phủ của ông Yoshihiko Noda, chính phủ đã quốc hữu hóa các hòn đảo thuộc Senkaku/Điếu Ngư – hoặc có thể lợi dụng sự thay đổi của chính quyền Nhật Bản để thay đổi cách tiếp cận của mình về vấn đề này.
Xét cho cùng, ông Abe khi giữ chức Thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006-2007 đã cải thiện đáng kể quan hệ Nhật –Trung khi thực hiện chuyến thăm Bắc Kinh để “phá tan băng giá” trong quan hệ hai nước và sau đó Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có chuyến thăm Nhật Bản thành công.
Nhưng tuy nhiên, lòng yêu nước luôn là điều cao cả hơn hết và cách mà ông Abe ứng xử sẽ tùy thuộc phần lớn vào hành động của Trung Quốc. Lựa chọn con đường nào là quyết định của Trung Quốc.