Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế về Covid-19
Trưởng văn phòng đại diện hãng tin TASS của Nga tại Nhật Bản, ông Vasili Golovnin mới đây đã đánh giá về sự thành công của quốc gia châu Á trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Theo ghi nhận, không khí phấn khích đang bao trùm khắp các khu vui chơi giải trí ở Tokyo và các khu vực lân cận, nơi có tổng cộng hơn 36 triệu người sinh sống.
“Các hạn chế đã bị dỡ bỏ. Chúng tôi làm việc cho đến nửa đêm và muộn hơn!”, đây là những khẩu hiệu quảng cáo đã xuất hiện ở nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống lớn nhỏ ở Nhật Bản.
Ngoài ra, các nhà hàng đang thông báo giảm giá và các nhà sản xuất đồ uống có cồn dự đoán rằng nguồn cung bia ra thị trường trong tháng 11 sẽ tăng gấp 2,5 lần so với lượng bia trong tháng 9.
Nhật Bản đang bước vào giai đoạn mới đầy thách thức sau khi các biện pháp ứng phó quốc gia đối với đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ hoàn toàn lần đầu tiên sau gần nửa năm. (Ảnh: AP) |
Trước đó, hôm 1/10, Nhật Bản chính thức dỡ bỏ hoàn toàn tình trạng khẩn cấp áp dụng tại thủ đô Tokyo và 18 tỉnh tại nước này, đồng thời dỡ bỏ tình trạng bán khẩn cấp tại các vùng còn lại trên cả nước.
Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2021, toàn bộ 47 tỉnh tại Nhật Bản không phải áp dụng lệnh tình trạng khẩn cấp ở bất kỳ hình thức nào. Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch nới lỏng từng bước các biện pháp hạn chế để nối lại các hoạt động kinh tế và xã hội song song với các biện pháp phòng, chống làn sóng dịch Covid-19 tiếp theo.
Tính đến cuối tháng 8, số ca mắc Covid-19 bắt đầu giảm mạnh. Hôm 24/10, Nhật Bản ghi nhận 236 ca mắc Covid-19 mới. Dù vậy, nguyên nhân chính xác của sự sụt giảm nhanh chóng vẫn chưa được xác định và các chuyên gia đang phân tích.
Gần 70% dân số được tiêm vắc xin Covid-19
Kể từ ngày 25/10, tại Tokyo và ở trung tâm quan trọng thứ hai của đất nước, thành phố Osaka ở phía tây nam của đảo Honshu, hầu như tất cả các hạn chế kiểm dịch đối với những cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống phải tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng như: đảm bảo tiêm phòng cho người lao động, vệ sinh thường xuyên bằng dung dịch khử trùng tất cả các bề mặt, sắp xếp bàn ghế đúng khoảng cách quy định.
Nếu các điều kiện đó được đáp ứng, các cơ sở kinh hoanh có thể tự mình xác định thời gian đóng cửa của nhà hàng, mặc dù cho đến gần đây chỉ được làm việc đến 8 giờ tối.
Bên cạnh đó, chính quyền vùng đô thị Tokyo cũng quyết định ban hành chứng nhận biện pháp phòng dịch đầy đủ với những cơ sở đạt yêu cầu, qua đó cho phép các cơ sở này phục vụ đồ uống có cồn. Số lượng tối đa khán giả tham gia các sự kiện thể thao lớn được nâng lên là 10.000 người, gấp đôi mức 5.000 trong thời gian áp dụng tình trạng khẩn cấp.
Tính đến ngày 25/10, tại Nhật Bản, gần 70% dân số trên 126 triệu dân của nước này đã nhận được tiêm 2 liều vắc xin ngừa Covid-19. Những người trên 65 tuổi hầu như được tiêm chủng với hơn 77% được tiêm ít nhất một liều. Điều này gần như chắc chắn rằng vào tháng 11 tới, sẽ có tới 80% cư dân ở Nhật Bản sẽ được tiêm chủng, bao gồm cả những người nước ngoài có giấy tờ thường trú hoặc cư trú dài hạn.
Khẩu trang gắn liền với đời sống
Trước đây, Nhật Bản tụt hậu nghiêm trọng so với Mỹ hoặc các quốc gia hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) về tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 vào mùa hè.
Số ca mắc Covid-19 ở thủ đô Nhật Bản xuống thấp nhất trong 16 tháng qua. (Ảnh: AP) |
Tuy nhiên, Nhật Bản hiện đã vượt qua Anh, Đức, Pháp và Mỹ về số lượng người được tiêm chủng đầy đủ. Đến cuối tháng 11 tới đây, quốc gia này có mọi cơ hội lọt vào nhóm các nước dẫn đầu thế giới về chỉ số này.
Tốc độ tiêm chủng cao được tạo điều kiện bởi thực tế là ở Nhật Bản “không có tâm lý chống lại việc tiêm vắc xin”. Hơn nữa, từ nhiều đời nay, cư dân của đất nước này đã quen với việc đeo khẩu trang, hầu hết người Nhật từ nhỏ coi đây là phương tiện bảo vệ thông thường và tuân thủ các phép xã giao.
Theo ông Golovnin, có thể xác nhận rằng ở Tokyo, ngay cả sau khi dỡ bỏ chế độ khẩn cấp và hầu hết các biện pháp kiểm dịch, người qua đường vẫn đeo khẩu trang, cũng như có rất ít người vi phạm quy tắc bất thành văn này.
Một làn sóng mới?
Theo truyền thông địa phương, cũng có những người chống đối ở Nhật Bản, vào đầu tháng 10, các nhà hoạt động ở nước này thậm chí đã đệ đơn kiện lên tòa án ở thủ đô yêu cầu cấm sử dụng vắc xin Covid-19, vì theo họ sự an toàn của vắc-xin không có bằng chứng thuyết phục.
Vào phiên tòa, hàng trăm người đến dự, tất cả đều gần như không đeo khẩu trang. Theo ông Golovnin, rõ ràng phong trào chống tiêm chủng ở Nhật Bản “chỉ giới hạn ở quy mô khiêm tốn như vậy”.
Những thành công của việc tiêm chủng, việc đeo khẩu trang hàng loạt, thói quen vệ sinh tay bằng dung dịch khử trùng dường như đã trở thành những lý do đơn giản đảm bảo cho sự sụt giảm mạnh mẽ của dịch bệnh ở Nhật Bản, vốn đang diễn ra trong vài tuần liên tiếp.
Theo các chuyên gia, nhân tố đầu tiên nhưng quan trọng nhất dẫn tới sự thành công của Nhật Bản là ý thức phòng dịch của toàn xã hội. (Ảnh: AP) |
Tại các bệnh viện Nhật Bản, trong các cơ sở chăm sóc đặc biệt, hiện chỉ có 208 bệnh nhân nguy kịch với Covid-19.
Tuy nhiên, trong thời kỳ đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp thế giới như hiện nay, một số tỉnh đã tuyên bố chiến thắng và giảm mạnh số ca mắc mới so với nền tảng của việc tiêm chủng hàng loạt, nhưng sau đó tại đây dịch bệnh lại có dấu hiệu bùng phát trở lại.
Theo nhiều bác sĩ, một kịch bản như vậy ở Nhật Bản rất có thể xảy ra và hiện đang chuẩn bị cho một đợt tấn công mới, chúng được dự báo bắt đầu vào cuối năm 2021.
“Trong bối cảnh mùa Thu và mùa Đông đang tới, số ca mắc mới có thể sẽ gia tăng trở lại do các nhân tố mùa vụ… Vì vậy, điều quan trọng là người dân cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa cho dù họ đã tiêm phòng hay chưa tiêm phòng”, ông Tateda Kazuhiro, Giáo sư Đại học Toho cho biết.
Nhằm chuẩn bị ứng phó với khả năng xuất hiện làn sóng lây nhiễm khác, chính phủ Nhật Bản thông báo đang bố trí thêm nhiều giường dành cho các bệnh nhân mắc Covid-19. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) đã chỉ thị cho chính quyền các tỉnh, thành sẵn sàng tiếp nhận thêm 20% bệnh nhân so với số lượng bệnh nhân mà họ đã chữa trị trong làn sóng dịch thứ 5 vào mùa Hè vừa qua.
Người Nga sẽ phải đến Ba Lan để xin thị thực nhập cư Mỹ
Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây đã đưa các công dân Nga muốn xin thị thực nhập cư Mỹ vào diện “quốc tịch vô gia cư” (Homeless Nationalities).
Thanh Bình (lược dịch)