Nhân viên khu bảo tồn đóng giả gấu trúc để chăm sóc gấu thật gây sốt
Cộng đồng mạng Trung Quốc "sốt xình xịch" trước hình ảnh nhân viên khu bảo tồn mặc bộ đồ đóng giả gấu trúc trong lúc chăm sóc cho gấu thật.
Thông tin các nhân viên làm việc tại một khu bảo tồn động vật hoang dã mặc trang phục đóng giả gấu trúc và thậm chí bôi cả phân và nước tiểu của gấu lên người nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), một influencer (người nổi tiếng trên mạng) đã đăng các bức ảnh nhân viên tại Khu Bảo tồn Tự nhiên Quốc gia Wolong ở tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc mặc bộ đồ đóng giả gấu trúc trong lúc chăm sóc cho đàn gấu thật.
Nhân viên khu bảo tồn tại Trung Quốc đóng giả gấu trúc trong quá trình chăm sóc gấu thật. (Ảnh: GMW) |
“Liệu rằng gấu trúc có sợ hãi?”, influencer có tên Chi Bu Pang De Xiao Wu bình luận trong bài đăng lên mạng xã hội.
“Mặc dù các nhân viên đã cố hết sức để giảm sự tương tác giữa con người và gấu trúc, nhưng tôi vẫn cảm thấy chuyện này có chút kỳ lạ”, nam influencer nhấn mạnh.
Người này còn đăng kèm lời giải thích lý do các nhân viên tại Khu Bảo tồn Wolong mặc trang phục đóng giả gấu trúc là để giảm sự tương tác giữa người và động vật trước khi thả chúng về môi trường hoang dã.
Những bức ảnh được nam influencer đăng tải đã có hơn 25 triệu lượt xem trên Weibo, và nhận được hàng nghìn lời bình luận hài hước.
Bộ đồ đóng giả gấu trúc nhằm giảm sự tương tác giữa con người và động vật trước khi chúng được thả về môi trường hoang dã. (Ảnh: GMW) |
“Tôi không biết những chú gấu trúc có hoảng sợ hay không? Nhưng đúng là tôi thấy hơi sợ”, một cư dân mạng chia sẻ.
“Nhìn lần đầu tiên, tôi không thể nhận ra đây là ‘hàng giả’. Liệu những chú gấu trúc có nhận ra không?”, người khác đặt câu hỏi.
“Những chú gấu trúc này sau khi được thả về môi trường hoang dã sẽ nghĩ như này: Tại sao mình không nhìn thấy con gấu nào có thể đứng và đi giống như lúc mình còn nhỏ? Hay chúng đã bị tuyệt chủng?”, một cư dân mạng hài hước viết.
Giáo sư Liu Dingzhen tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho hay ý tưởng mặc trang phục đóng giả gấu trúc đã được đưa ra vào năm 2008, thời điểm ông và nhiều chuyên gia khác tham gia chương trình đào tạo cho các nhân viên làm việc tại Khu Bảo tồn Wolong trong dự án đưa gấu trúc trở về môi trường hoang dã.
“Chúng tôi hy vọng sau nhiều năm huấn luyện, những chú gấu trúc sẽ tránh con người thay vì phụ thuộc vào con người, khi chúng được thả về môi trường tự nhiên”, ông Liu nói.
Cũng theo ông Liu, “Sau đó, chúng tôi còn bôi phân và nước tiểu lên bộ đồ để khiến gấu trúc tin rằng đó là đồng loại của chúng, chứ không phải con người”.
Nhiều cư dân mạng Trung Quốc để lại bình luận hài hước về bộ đồ đóng giả gấu trúc của nhân viên khu bảo tồn. (Ảnh: GMW) |
Ông Liu nhấn mạnh bộ đồ đóng giả gấu trúc đã phát huy hiệu quả, sau khi các chuyên gia quan sát và đánh giá hành vi của con vật trong quá trình huấn luyện, cũng như theo dõi sau khi chúng được đưa trở về môi trường hoang dã.
“Ví dụ, tại khu bảo tồn khi gấu con bị bỏ lại một mình trong lúc gấu mẹ đi kiếm thức ăn, nếu nghe thấy âm thanh của con người, gấu con sẽ đi trốn và giữ im lặng thay vì tiến lại gần con người”, ông Liu giải thích.
Dữ liệu của Ủy ban Đồng cỏ và Lâm nghiệp Quốc gia Trung Quốc cho thấy hiện có 673 con gấu trúc được nuôi nhốt trên khắp thế giới và chủ yếu là ở Trung Quốc. Tổng cộng, 1.864 con gấu trúc đang sống trong môi trường tự nhiên trên toàn cầu.
Lo thiếu thịt, Trung Quốc xây ‘khách sạn lợn’ cao 26 tầng
Để tăng năng suất thịt cũng như đáp ứng nhu cầu của người dân, một "khách sạn lợn" cao 26 tầng sắp được hoàn thành ở Trung Quốc.
Cảnh báo chứng bệnh nguy hiểm trong vụ bé gái ăn tóc để được bố mẹ quan tâm
Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc hội chứng Pica sau khi ăn tóc để thu hút sự chú ý của bố mẹ dẫn tới phải nhập viện mổ cấp cứu.
Minh Thu (lược dịch)