Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: Tình yêu với cô gái 16 tuổi là cảm hứng viết nên 'Dư âm'
Dự kiến, linh cữu ông sẽ được quàn tại Nhà tang lễ TP.HCM vào 10h ngày 27/12, sau đó đưa ra Nghĩa trang hoa viên Bình Dương an táng vào sáng 29/12.
Năm 2017, PV từng ghé thăm nhà nhạc sĩ trong một con hẻm nhỏ đường Trần Khắc Chân, Q.1, TP.HCM
Thời điểm đó, ông phải chịu sự hành hạ của nhiều căn bệnh. Sau hai lần tai biến mạch máu não, ông bị liệt nửa người bên trái. Trong lúc trò chuyện, ông đau lưng khó thở và phải nhờ người cho cơ thể nằm nghiêng để giảm sự đau nhức.
Ông cho biết, rất khó tiểu nên hàng ngày phải uống một lon bia mới tiểu được. Phương tiện duy nhất để giao tiếp với thế giới bên ngoài của nhạc sĩ là chiếc Tivi và chiếc loa có cắm USB để nghe nhạc.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trong căn phòng tại nhà riêng. (Ảnh chụp vào tháng 7/2017) |
Khi nhắc đến những kỷ niệm quá khứ, Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tỏ ra hứng khởi và kể, “tình yêu của tôi với một cô gái 16 tuổi là nguồn cảm hứng sáng tác bài Dư âm. Khi đó tôi chơi với cô chị. Cô em mới 16 tuổi, một hôm, cô em ghé cằm lên vai chị, đưa đôi mắt ngây thơ nhìn thẳng vào tôi.
Cho đến giờ tôi vẫn nhớ như in đôi mắt ấy. Tôi ngày đó nhát lắm, không dám bày tỏ tình cảm. Sau này cô ấy lấy một anh bộ đội, chuyển ra thủ đô. Một lần đi công tác, tôi tình cờ gặp lại nhưng tìm cách lánh mặt. Sự tiếc nuối vì không đến được với nhau khiến tôi viết lên bài Dư âm. Tôi thương cô ấy lắm, nhưng giờ cô ấy chết rồi!”.
Ông cho biết thêm, Dư âm là tác phẩm đầu tay, lúc đó ông đọc các sách dạy về âm nhạc thì tiếp thu được các cung cách cơ bản của một bài hát, câu thế nào, đoạn thế nào. Một bài hát thì có mấy câu, mấy đoạn rồi tự sáng tác ra bài Dư âm.
Ngồi nhà trong hẻm ở quận 1 của Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. (Ảnh chụp tháng 7/2017) |
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, mỗi bài hát của ông đều xuất phát từ cảm xúc chân thật và là một kỷ niệm khó quên. Một trong số đó là bài hát Mẹ yêu con, gắn liền với cuộc đời thăng trầm của ông và được sáng tác trong niềm hạnh phúc đón con gái nhỏ chào đời.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là một tên tuổi của nền âm nhạc mới Việt Nam thế kỷ 20, cha đẻ của nhiều ca khúc bất hủ: "Mẹ yêu con", "Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh", "Dáng đứng Bến Tre", "Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa", "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ", "Dư âm"...
Chỉ cần nhìn tên những ca khúc ấy, những giai điệu và lời ca đã bay nhảy và vang lên trong trái tim mỗi chúng ta. Đó là những giai điệu bất tận về tình yêu quê hương đất nước, về những vùng đất, con người, tình yêu của mẹ cha dành cho con cái và tình yêu lứa đôi.