Nha Trang phát triển du lịch đặc thù, kêu gọi Nhật Bản đầu tư
Ngoài ra, ông Hải còn đề nghị Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa phối hợp với Sở Du lịch chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh khai thác, nghiên cứu các chiến lược thu hút thị trường khách quốc tế truyền thống; tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; quan tâm phát triển lĩnh vực lữ hành; quan tâm đến việc đào tạo đội ngũ những người làm du lịch có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường…
Theo báo cáo của Hiệp hội Du lịch Nha Trang – Khánh Hòa, 9 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đón 4,32 triệu lượt khách (tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2016), trong đó, khách quốc tế gần 1,5 triệu lượt.
Hai thị trường khách chính là Trung Quốc và Nga tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao với tổng số lượt khách chiếm gần 80% số lượt khách quốc tế. Số ngày khách quốc tế lưu trú trung bình hơn 4 ngày/khách… Tuy nhiên, thị trường khách quốc tế truyền thống như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Úc, Canada giảm mạnh từ 20 – 30%.
Một diễn biến khác, trong khuôn khổ chương trình hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Nam Trung bộ, ngày 7/10, tại Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức hội nghị gặp gỡ Nhật Bản - Khánh Hòa nhằm giới thiệu, trao đổi về tiềm năng, môi trường đầu tư tại Khánh Hòa và cơ hội đầu tư, hợp tác giữa hai bên. Ngài Umeda Kunio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam cùng nhiều đại diện của các hiệp hội và doanh nghiệp Nhật Bản đã tham dự cuộc gặp gỡ.
Ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giới thiệu thế mạnh của Khánh Hòa; tập trung vào 3 vịnh biển lớn có vị trí chiến lược, giàu tiềm năng là: Nha Trang, Cam Ranh và Vân Phong. Trong đó, vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới; vịnh Cam Ranh là vịnh tự nhiên tốt nhất Đông Nam Á, có điều kiện phát triển dịch vụ cảng biển, du lịch; vịnh Vân Phong là vịnh kín gió có độ sâu trung bình 15 - 22m, có nơi sâu hơn 30m.
Ông Vinh kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đầu tư vào Khánh Hòa, cụ thể là Nha Trang theo hướng: Sẽ phát triển thành trung tâm thương mại, dịch vụ, du lịch cấp quốc gia, quốc tế; hình thành nên các trung tâm tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, mạng lưới các siêu thị, trung tâm dịch vụ tổng hợp, dịch vụ thông tin, dịch vụ nhà hàng khách sạn cao cấp, vận tải biển…
Khu vực Cam Ranh tập trung phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp, chất lượng cao, phát triển dịch vụ vận tải biển, vận tải hàng không; thu hút các ngành công nghiệp, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, công nghiệp phụ trợ cảng, phụ trợ đóng tàu, sản xuất năng lượng sạch, chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến nông sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp may mặc, giày da.