Nhà máy điện rác Sóc Sơn đốt rác hỗn hợp, dân có cần phải phân loại rác?
Nhà máy điện rác Sóc Sơn dùng công nghệ của Bỉ và đốt rác hỗn hợp (không qua phân loại), vì thế rác thải có được phân loại hay không cũng không ảnh hưởng đến quá trình vận hành của nhà máy.
Nghị định 45/2022 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực từ ngày 25/8 tới đây.
Theo quy định, từ ngày 25/8, người có hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định sẽ chịu mức xử phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng.
Tại Hà Nội, đã nhiều năm nay, rác thải luôn bị ùn ứ. |
Thực tế hiện nay lượng rác sinh hoạt thu gom tại Hà Nội hiện nay được chôn lấp là chủ yếu. Về quy định phân loại rác tại nguồn, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh Urenco 3, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, đây là chương trình rất đúng đắn, cần thực hiện từ lâu.
'Hiện tại Nghị định mới ra ngày 7/7/2022 nên chúng tôi vẫn đang nghiên cứu. Quan trọng nhất là chính quyền địa phương phải tuyên truyền từ các tổ dân phố đến các cán bộ phường', ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. Ý thức của từng người dân là rất quan trọng. Nhưng vấn đề là làm sao phân loại đồng bộ và hiệu quả, xuyên suốt từ khâu phân loại, thu gom, đến xử lý cuối cùng thì mới có kết quả thực chất.
Phân loại rác tại nguồn là một trong những giải pháp để giảm tải áp lực trong khâu thu gom, xử lý rác thải. |
Mới đây, nhà máy điện rác Sóc Sơn bắt đầu đi vào vận hành. Nhà máy dùng công nghệ của Bỉ và đốt rác hỗn hợp (không qua phân loại).
Tuy nhiên, ông Trịnh Nhất Cường, Phó Tổng giám đốc Nhà máy Điện rác Sóc Sơn cho biết, việc phân loại rác thải tại nguồn là xu thế phát triển của tất cả quốc gia. Nếu TP Hà Nội phân loại rác thải tại nguồn sẽ giúp giảm tỷ lệ chất không đốt được, đồng thời giúp việc đốt rác thuận lợi hơn.
'Nhà máy điện rác Sóc Sơn dùng công nghệ của Bỉ và đốt rác hỗn hợp (không qua phân loại), vì thế rác thải có được phân loại hay không cũng không ảnh hưởng đến quá trình vận hành của nhà máy.
Tuy nhiên nếu thực hiện được việc phân loại rác từ đầu nguồn sẽ tận dụng thu hồi và tái sử dụng được. Lượng rác phải đốt cũng giảm đi sau phân loại, thì nhà máy sẽ xử lý được nhiều rác thải sinh hoạt hơn cho Hà Nội'.
'Nhưng rác thải có thể tái sử dụng hoặc tái chế được cũng đưa vào đốt đi rất lãng phí”, ông Cường cho hay.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn mới đây đã đi vào vận hành. |
Nhà máy điện rác Sóc Sơn đốt rác hỗn hợp không qua phân loại. |
Theo GS Đặng Kim Chi (Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho rằng, nếu thực hiện chuẩn chỉ, việc phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn rất thiết thực và có ý nghĩa rất lớn trong bảo vệ môi trường.
GS Đặng Kim Chi (Chủ tịch Hội đồng khoa học và kỹ thuật, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) |
Việc thực hiện phân loại rác tại nguồn không chỉ thúc đẩy hoạt động của các ngành công nghiệp tái chế, giảm thiểu đáng kể lượng rác thải ra môi trường mà còn có thể làm thay đổi công nghệ xử lý rác.
Theo GS Đặng Kim Chi, trước đây nhiều nơi và ngay cả Hà Nội từng thí điểm phân loại rác thải từ đầu nguồn. Tuy nhiên, hiệu quả thu được không cao do người dân có thể phân loại rác thải từ đầu nguồn, nhưng nhân viên thu gom rác lại sử dụng một xe thu gom duy nhất, sau đó tập kết tại điểm cố định. Xe chở rác lại đưa tất cả các loại rác (đã phân loại) lên một chiếc xe, và đưa về bãi tập kết.
“Nếu không thực hiện chuẩn chỉ, nghiêm túc, đồng bộ giữa các khâu sẽ dẫn tới việc, rác được phân loại từ đầu nguồn nhưng sau đó lại bị trộn lẫn trong quá trình vận chuyển, thu gom, xử lý”, GS Đặng Kim Chi chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Bá Huấn (sinh sống tại một chung cư trên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, việc phân loại rác là rất cần thiết, nhưng để thực hiện được cũng không phải đơn giản, vì không phải người nào cũng có đủ ý thức để thực hiện việc này.
Dù chưa có chế tài phạt phân loại rác, thế nhưng nhiều năm nay nhà anh Huấn cũng đã tự phân loại rác sinh hoạt của gia đình. |
Bình thường mỗi gia đình chỉ cần 1 thùng rác để tất cả các chất thải vào 1 túi, sau đó mang xuống hầm đựng rác của chung cư.
"Gia đình tôi mong các chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể cho người dân biết để khi Nghị định có hiệu lực sẽ không còn bỡ ngỡ. Đặc biệt, hiện nay các người dân gần như chưa có mấy ai phân loại rác ngay từ nhà, trong khi đơn vị môi trường cứ thu rác trộn lẫn hết với nhau. Nếu người dân phân loại đi chăng nữa nhưng việc thu gom vẫn đổ chung cả rác thải tái chế và không tái chế, thì rất khó để quy định này đi vào cuộc sống”, anh Huấn chia sẻ.
Hiện nay, trung bình mỗi ngày thành phố Hà Nội phát sinh hơn 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, Hà Nội sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại. Theo thống kê, tính đến năm 2019, thành phố Hà Nội có hơn 300.000 căn hộ chung cư.
Nghị định 45/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, nhằm thực thi Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi vừa được ban hành. Theo đó, từ ngày 25/8, nếu hộ gia đình, cá nhân không phân loại rác thải sinh hoạt từ đầu nguồn sẽ bị xử phạt từ 500 nghìn tới 1 triệu đồng.
Ngoài ra, cơ quan, tổ chức cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt.
Nghị định 45 vừa ban hành quy định: Xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không sử dụng bao bì chứa chất thải sinh hoạt theo quy định.
Cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có phát sinh chất thải rắn sinh hoạt với tổng khối lượng từ 300kg/ngày trở lên thì sẽ bị xử phạt.
- Mức phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với hành vi không ký hợp đồng với đơn vị thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải.
- Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.
- Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
Bảo Khánh