Nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị “nhất thiết” phải cổ phần hóa DNNN
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019 diễn ra ngày 26/6/2019, Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị thủ tục pháp lý và chủ trương vì sự tăng trưởng của thị trường cổ phiếu doanh nghiệp.
Trong đó, KoCham nhấn mạnh, vì sự phát triển liên tục của nền kinh tế Việt Nam, “nhất thiết phải cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài”.
Bên cạnh đó, cần phải niêm yết cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI để huy động nguồn vốn cần thiết cho hoạt động thúc đẩy thị trường cổ phiếu và công nghiệp hóa một cách thuận lợi.
KoCham cho rằng, hiện nay tại Việt Nam không có chủ trương cụ thể về mặt pháp lý phục vụ cho sự tăng trưởng của thị trường cổ phiếu của các doanh nghiệp FDI. Để thực hiện điều đó, Chính phủ cần chuẩn bị chủ trương cụ thể về mặt pháp lý hoặc Nghị định về việc niêm yết các doanh nghiệp FDI trên thị trường chứng khoán.
Hiện nay quy mô cho vay tín dụng của Việt Nam đã vượt quá 150% GDP và với dự kiến áp dụng Basel II vào năm 2020, theo dự tính sẽ gặp khó khăn không chỉ trong hoạt động tín dụng để đầu tư mới mà còn trong cả việc đảm bảo nguồn vốn cần thiết cho hoạt động kinh doanh cơ bản.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam là nơi để Chính phủ lắng nghe những khuyến nghị, giải pháp do cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đề nghị. |
Theo đó, cần phải có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường vốn giúp có thể thay thế, bổ trợ cho thị trường cho vay hiện tại và giúp khối ngân hàng hiện nay có thể thu hút được nhiều nguồn vốn nước ngoài hơn.
Cũng tại Diễn đàn, Nhóm công tác Thị trường vốn cũng đã có những đề xuất, kiến nghị cụ thể đối với Luật và các văn bản dưới luật liên quan đến việc Nhà đầu tư nước ngoài đặt cọc bằng ngoại tệ tham gia đấu giá cổ phầ hóa và thoái vốn nhà nước.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 03/2019/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 13/5/2019, cho phép nhà đầu tư nước ngoài được phép nộp tiền đặt cọc bằng ngoại tệ trog các đơn đấu giá cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa thông qua phương pháp dựng sổ, việc nộp tiền đặt cọc bằng ngoại tệ sẽ không được áp dụng.
Bên cạnh đó, Nghị định 126/2017/NĐ-CP và các quy định tại các quy chế mẫu do Ủy ban Chứng khoán ban hành yêu cầu nhà đầu tư (bao gồm nhà đầu tư nước ngoài) phải nộp tiền đặt cọc cũng như thanh toán toàn bộ tiền mua cổ phần, phần vốn góp bằng đồng Việt Nam vào tài khoản của Đại lý đấu giá trong thời hạn quy định.
Với những quy định trên, Nhóm công tác Thị trường vốn đề xuất Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm việc với Ngân hàng Nhà nước về các trường hợp nhà đầu tư nước ngoài được phép nộp tiền đặt cọc bằng ngoại tệ theo quy định tại Thông tư 03/2019/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước và hướng dẫn cụ thể về quy trình nộp tiền đặt cọc bằng ngoại tệ nói trên.
Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đặt cọc bằng ngoại tệ và sau đó trúng đấu giá, theo quy định về quản lý ngoại hối, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thanh toán toàn bộ tiền mua cổ phần từ tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của mình.
Khi đó, khoản tiền đặt cọc bằng ngoại tệ này sẽ phải chuyển về tài khoản vốn đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài trước khi chuyển đổi thành đồng Việt Nam và thanh toán toàn bộ tiền mua cổ phần.
Các quy định hiện tại của Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về đấu gái cổ phần hóa không cho phép nhà đầu tư trúng giá nói chung được rút tiền đặt cọc rồi thanh toán 100% tiền mua cổ phần sau đó.
Theo dữ liệu về thực trạng thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến cuối tháng 4/2019, không bao gồm sàn giao dịch Upcom, tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam đạt mức 145 tỷ USD; tổng vốn hóa cho nhà đầu tư nước ngoài theo luật đạt 72 tỷ USD; tổng vốn hóa cho nhà đầu tư nước ngoài sau free-float là 53 tỷ USD. Hiện nhà nước đang sở hữu 35 tỷ USD trong tổng mức vốn hóa thị trường, room còn lại cho nhà đầu tư nước ngoài là 18 tỷ USD.