Nhà báo Anh Ngọc: Hội An “tư duy” thế khác nào đuổi du khách đi?
Từ Roma nhà báo Trương Anh Ngọc – Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại Italia đã có cuộc trao đổi với PV Infonet xoay quanh chuyện “tư duy làm du lịch” và cách làm du lịch khéo léo kiểu người Ý.
Nhà báo Trương Anh Ngọc - Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại Italia |
Khách du lịch quốc tế không phải là một ... mỏ vàng
Dư luận gần đây, đặc biệt là du khách nước ngoài đang rất bất bình trước việc chính quyền thành phố Hội An lập các điểm chốt chặn và buộc du khách phải mua vé trước khi vào tham quan khu phố cổ.
Theo lý giải của chính quyền Hội An, việc thu phí đã được địa phương tiến hành từ lâu, nhưng nay siết chặt lại nên gây hiểu lầm. Và việc buộc du khách mua vé ngay tại “cửa” phố cổ nhằm mục tiêu tránh thất thu, tạo nguồn thu để phục vụ trùng tu di tích. Ông có cho rằng cách lý giải của chính quyền địa phương là hợp lý?
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Tôi cho rằng, việc thu phí để bảo tồn bảo trì các di tích nói chung cũng như việc thu phí trong trường hợp của Hội An là một điều không phải mới, không phải chỉ Hội An mới làm mà ở khắp nơi làm dịch vụ du lịch đều làm. Nhưng nếu lãnh đạo Hội An nói rằng họ đã "gây hiểu lầm" thì họ nên xem lại cách làm như thế nào để dẫn đến tình trạng ấy.
Tôi cũng muốn đưa ra một lập luận, rằng buộc khách mua vé ngay từ cửa nhằm "tránh thất thu, tạo nguồn thu để trùng tu di tích" cũng khó có thể khiến mọi người thông cảm. Bởi nếu nói thế, người ta sẽ lật lại vấn đề: Vậy thì bao nhiêu năm qua, khi chưa có việc thu phí đang gây tranh cãi trong những ngày này, thì các di tích này vẫn tồn tại như vậy bằng nguồn kinh phí nào, từ đâu, và điều gì đã khiến họ phải thu thêm nguồn kinh phí như vậy?
Tôi cho rằng, cách lý giải như thế, nếu đúng mục đích là để phục vụ trùng tu di tích, là ổn. Nhưng vấn đề là người ta không tin, còn tôi thì thấy không thuyết phục. Thiếu gì cách có được phụ thu mà không làm mếch lòng khách, trong khi lại phải lập chốt như thế?
Nhưng thực tế tại nhiều địa phương vẫn đang phát triển du lịch kiểu “chăm chăm thu vé tham quan” và thu vé giá “chát” với người nước ngoài. Phải chăng thu phí tham quan "gắn với" phát triển du lịch bền vững?
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Nếu như du khách nước ngoài đến với chúng ta mà cảm thấy bị phân biệt đối xử thì cũng chẳng sai. Có lần cách đây cũng nhiều năm, tôi đưa một người bạn vào đền Ngọc Sơn tham quan. Ông ấy cứ thắc mắc mãi là tại sao vé ông ấy mua lại cao hơn của tôi. Cô bán vé chỉ bảo là vé ông ấy cao vì phải tính thêm thuế, thêm bảo hiểm và nhiều khoản khác nữa. Ông ấy đương nhiên vẫn trả tiền mua vé và vào đền, nhưng sự bức xúc thể hiện ra mặt. Ông bảo, các bạn không thể làm du lịch theo kiểu đó được. Các bạn cần thu hút khách du lịch và song song với điều đó, các bạn cũng muốn kiếm được nhiều tiền từ khách nước ngoài.
Việc phố cổ Hội An thu phí tham quan khi vào phố cổ khiến nơi này trở thành tâm điểm của dư luận |
Việc thu hút khách và chính sách để kinh doanh du lịch là hai điều không thể mâu thuẫn với nhau mà phải hỗ trợ nhau, chứ không phải là tạo ra những bức xúc đối với người đến Việt Nam du lịch. Ông cũng nói rằng, việc thu hai giá như thế là bất công và khiến người nước ngoài cảm thấy bị đối xử tệ hơn, rằng người làm du lịch ở Việt Nam cứ nghĩ khách nước ngoài là một mỏ vàng, và phải tận thu.
Mấy người bạn khác của tôi thậm chí còn nói mạnh mẽ hơn. Họ bảo: "Tôi không hiểu các bạn làm du lịch kiểu gì cả. Dường như không ai kiểm soát, không ai đặt ra những quy định về dịch vụ, không ai xử phạt những hành vi chặt chém cả. Cách làm du lịch kiểu đó không khác gì muỗi đốt, rất khó chịu (!)".
Khi du lịch với ngân sách thấp (low-budget) đang trở thành một xu thế trên thế giới, việc các du khách loại này đến nước ta ngày càng đông, thì việc lấy được tiền từ họ càng trở nên khó khăn hơn nhiều, nếu như không có cách nào thật sự văn minh và đàng hoàng.
Lâu nay du lịch Việt Nam vẫn bị kêu ca với cách làm “ăn xổi ở thì”. Việc quyết định tăng mức giá vé và buộc khách tham quan phải mua vé khi bước chân vào khu phố cổ Hội An cũng chính là hệ quả từ việc phát triển du lịch kiểu này?
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Nếu như lãnh đạo Hội An không thuyết phục được người du lịch đến đây, rằng các khoản phụ thu ấy là để phục vụ trung tu tôn tạo di tích, thì chắc chắn người ta sẽ phải nghĩ như vậy. Làm du lịch thực chất là làm dịch vụ, và đã làm dịch vụ thì không thể tạo ra cảm giác phản cảm và thiếu hợp lí trong từng hành động.
Tôi nghĩ, việc này không chỉ của Hội An, mà còn của nhiều nơi khác nữa. Chúng ta thiếu hẳn một tư duy về dịch vụ, mà tư duy ấy không chỉ riêng đối với du lịch mà là tất cả các ngành nghề liên quan đến phục vụ, không chỉ đối với du khách nước ngoài mà còn với chính những người Việt chúng ta cũng cảm thấy như vậy.
Hội An là một trong những điểm đến nổi tiếng và thu hút khách quốc tế. Song với “tư duy làm du lịch” kiểu “năng nhặt chặt bị” của chính quyền thành phố như hiện nay thì liệu có giữ chân, thu hút khách quốc tế khi đến với phố Hội?
Nhà báo Trương Anh Ngọc: Tôi tin là những du khách nước ngoài, khi đã bỏ ra, thường là hàng nghìn USD, để thực hiện những chuyến du lịch đến nhiều nơi ở Việt Nam, không riêng gì Hội An, nên tôi nghĩ nếu họ phản ứng với chuyện phải bỏ ra thêm 120 ngàn đồng (khoảng 6 USD) cho một lần vào Hội An thì có lẽ không phải là vì tiền, mà vì họ cảm thấy không được cư xử một cách lịch thiệp và hiếu khách. Thậm chí họ có thể cho là ta không khuyến khích du lịch mà chỉ biết tận thu.
Với sự phát triển rộng rãi của các mạng xã hội, du khách đến Hội An mà phản ứng về chuyện thu phí, họ có thể viết những review phản hồi như vậy trên các trang mạng liên quan đến du lịch. Những người khác sẽ đọc được. Mọi quảng cáo về du lịch của chúng ta do đó hoàn toàn có thể trở nên vô nghĩa chỉ vì một hành động như vậy.
Làm du lịch khéo léo kiểu người Ý
Là một người đam mê du lịch, trải nghiệm qua nhiều hành trình khám phá mảnh đất khác nhau trên thế giới. Và hiện tại cũng đang sống tại Roma – thủ đô nước Ý, nơi có nhiều điểm du lịch, ông có nhận xét gì về cách làm du lịch của người Ý, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay?
Roma nói riêng và Ý có rất nhiều danh lam thắng cảnh, rất nhiều di tích lịch sử được UNESCO xếp hạng là Di sản thế giới. Nếu nói về việc trùng tu di tích thì chắc chắn là người Ý có nhiều lí do để thu tiền mà bảo tồn, vì số di tích nhiều đến như thế và không ít trong số đó đã tồn tại rất nhiều thế kỉ nay. Từ nhiều năm nay, Ý phát triển hình thức du lịch xanh, là đến các công viên quốc gia, với các gói khuyến mãi lớn. Thậm chí miễn phí, nhắm vào đối tượng là học sinh, sinh viên và các gia đình.
Ở Roma có quá nhiều nơi để xem, để chụp ảnh, để ghi chép và lưu lại kỉ niệm. Họ phát hành một loại thẻ là Roma Pass, có giá trị sử dụng trong nhiều ngày và với thẻ này, người sử dụng có thể đi được nhiều nơi chính trong thành phố, dùng nó làm vé vào cửa cũng như là vé di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Tôi đặt ra một câu hỏi, là với lí luận theo kiểu cần tiền để bảo tồn và tu bổ biết bao di tích thắng cảnh trong nội đô Roma, trong hoàn cảnh ngân sách thành phố đang bị thâm hụt nặng nề, mà nếu ông thị trưởng Roma cũng làm tương tự như Hội An, là quây thành phố lại, và thu tiền người đi vào trung tâm phố cổ thì sẽ thu được cơ man nào là tiền. Nhưng Roma không làm, vì làm khác gì đuổi khách đi.
Cách đây mấy năm, có chuyện một cặp vợ chồng Nhật đã kêu ca là họ bị một quán ở trung tâm Roma "chặt đẹp" bữa ăn trưa của họ. Ngay sau khi thông tin này được phát trên các phương tiện truyền thông, cảnh sát đã đến quán và đóng quán lại. Bộ trưởng Du lịch Ý thì đích thân xin lỗi cặp vợ chồng này và mời họ sang du lịch Ý miễn phí!
Với cách làm khôn khéo của mình các địa danh du lịch của Ý vẫn thu hút hàng triệu khách tham quan quốc tế mỗi năm và Ý vẫn là sự lựa chọn của nhiều du khách khi muốn quay lại châu Âu. Theo ông đâu là bài học rút ra từ cách làm du lịch của người Ý mà những nhà làm du lịch Việt Nam cần học tập?
Một câu trả lời ngắn thôi: Đừng làm cho khách du lịch nghĩ rằng, chúng ta làm tất cả mọi thứ chỉ để thu được tiền của họ, trong khi không phát triển thêm dịch vụ, không nâng cấp chất lượng phục vụ.
Xin được trở lại câu chuyện của Hội An, nếu là một du khách đang có ý định tới thăm phố Hội, trước thông tin bất lợi cho khách du lịch liệu ông có thấy hào hứng muốn khám phá tiếp?
Thật khó trả lời câu này, nhưng tôi xin kể một chuyện nhỏ: một người bạn của tôi đã quyết định đi nghỉ ở Thái Lan chứ không sang Việt Nam chơi như dự kiến ban đầu, vì những thông tin bất lợi chị đọc được từ trang tư vấn du lịch TripAdvisor liên quan đến Hội An và các thông tin về dịch sởi đang xảy ra ở nước ta.