Nhà băng “thờ ơ” với “mánh” rửa tiền?
Tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố đang là vấn đề mang tính toàn cầu, mỗi năm tội phạm tiến hành rửa từ 1.000-1.500 tỷ USD trên toàn thế giới, gây ra những tác hại khôn lường đối với kinh tế, xã hội và an ninh toàn cầu.
Nếu việc rửa tiền thành công thì tội phạm làm sinh lợi từ số tài sản phạm tội mà có, trở thành nơi ẩn náu an toàn cho số tài sản có nguồn gốc phi pháp, không minh bạch, làm gia tăng nhiều tội phạm khác và nạn tham nhũng. Theo các chuyên gia, Việt Nam dễ thành mục tiêu cho các tổ chức tội phạm rửa tiền quốc tế do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng. Nhưng đến năm 2009, tội danh rửa tiền mới xuất hiện trong Bộ luật Dân sự, chế tài xử phạt đến ngày 7/2/2012 mới bắt đầu có hiệu lực. Việc Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực từ 1/1/2013 được ghi nhận như nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng chống rửa tiền để tránh rơi vào danh sách đen của quốc tế về rửa tiền.
Tuy vậy, theo các chuyên gia có khá nhiều thách thức, khó khăn để “chặn” mánh rửa tiền ở Việt Nam, một trong những thách thức đó là khá nhiều ngân hàng thương mại vẫn “thờ ơ” với việc đầu tư công nghệ chống rửa tiền.
Các nhà băng chưa mặn mà với các quy định về phòng chống rửa tiền? |
Theo một chuyên gia về lĩnh vực chống rửa tiền, thì bản thân các ngân hàng cũng có hạn chế nhất định về nhận thức, bởi xét về bản chất ngân hàng vẫn coi trọng lợi nhuận, nếu làm chặt chẽ quá thì sẽ mất khách hàng. Ngoài ra, các nhà băng cũng chưa có sự quan tâm, đầu tư đúng mức về nhân lực, tài chính, kỹ thuật cho công tác phòng, chống rửa tiền.
“Khó có lực lượng thanh tra nào có thể đủ nguồn lực để thanh tra, kiểm soát hết các giao dịch, sai phạm tại các ngân hàng, mà thanh tra chỉ có thể thanh tra trên cơ sở có thông tin nên bộ phận kiểm soát nội bộ của ngân hàng phải xây dựng được cho ngân hàng ý thức tuân thủ nghiêm ngặt quy định của cơ quan quản lý”- ông nói.
Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực – Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) lại cho rằng, mỗi ngân hàng, quan điểm của ban điều hành và khẩu vị rủi ro của từng ngân hàng đến đâu sẽ quyết định suất đầu tư vào hoạt động phòng chống rửa tiền tới đó. “Bản thân các ngân hàng cũng rất lo ngại và luôn ý thức về phòng chống rửa tiền. Tôi biết tại một số ngân hàng lớn đã đầu tư công nghệ khá mạnh cho phòng chống rửa tiền, vì liên quan tới rửa tiền là mất tiền, mất của và mất uy tín của chính ngân hàng đó. Tuy nhiên, cái khó là làm sao phát hiện ra được các trường hợp rửa tiền”- ông Lực bày tỏ.
Ngoài ra, một trở ngại lớn trong công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam hiện nay được chỉ ra, là trong Luật Phòng chống rửa tiền khó nhất là xác định chủ sở hữu hưởng lợi.
Vị chuyên gia về phòng chống rửa tiền dẫn chứng, nếu một khách hàng cá nhân mở tài khoản ngân hàng, có thể khách hàng đó thực hiện giao dịch cho chính mình hoặc thực hiện giao dịch được sự ủy quyền của người khác. Trong trường hợp khách hàng thực hiện giao dịch được sự ủy quyền của người khác thì “người khác” đó mới là chủ sở hữu hưởng lợi, và nhỡ đâu “người khác” đó là tội phạm thì sao? Tương tự trong một pháp nhân ai là người hưởng lợi, kiểm soát cuối cùng thì người đó mới là người quyết định. Ví dụ, tại một doanh nghiệp có đại diện pháp nhân là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc nhưng chắc gì hai người này đã là người điều hành cụ thể doanh nghiệp.
Như vậy, rõ ràng, để phát hiện và ngăn chặn tội phạm rửa tiền, Việt Nam còn phải làm rất nhiều việc. Và để làm được điều này, đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, công cụ như điều tra tội phạm và cần có sự phối hợp đồng bộ nhiều cơ quan.