Nhà băng ồ ại "mua lại" công ty tài chính
Thông tin này được bà Nguyễn Thị Hòa chia sẻ khi trả lời câu hỏi của PV Infonet tại cuộc họp báo về Diễn đàn Mua bán - sáp nhập 2014.
Gần đây giới tài chính xôn xao với những thông tin xoay quanh chuyện các nhà băng đang dần “thâu tóm” các công ty tài chính trực thuộc tập đoàn, tổng công ty lớn để phát triển và mở rộng mạng lưới bán lẻ tiêu dùng. Thương vụ đầu tiên đã được hoàn tất và công bố, đó là việc Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)công bố mua lại Công ty Tài chính trực thuộc Tập đoàn Than & Khoáng sản Việt Nam (CMF) hồi cuối tháng 6/2014.
Thị trường sắp có thêm thương vụ SHB mua lại công ty tài chính? |
Tiết lộ về những thương hiệu sáp nhập tiếp theo, bà Nguyễn Thị Hòa – Phó Chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, NHNN vừa chấp nhận về mặt chủ trương để một ngân hàng thương mại cổ phần mua lại công ty tài chính. Ngoài ra, cơ quan này cũng chấp nhận về mặt chủ trương để một ngân hàng thương mại sáp nhập với một nhà băng khác, sau khi các đơn vị này trình đề tái tái cấu trúc, sáp nhập.
“Hiện nhiều ngân hàng và công ty tài chính đang thương thảo để sáp nhập với nhau”- bà Hòa nói.
Trước câu hỏi cho rằng dường như thị trường mua bán, sáp nhập trong hệ thống ngân hàng đang khá “im ắng”, Phó Chánh thanh tra giám sát NHNN khẳng định, mua bán sáp nhập vẫn tiếp tục là xu hướng để hệ thống ngân hàng Việt Nam tái cấu trúc lại thời gian tới. Đến thời điểm này, NHNN đã thu hồi giấy phép của 5 ngân hàng thương mại, 2 công ty tài chính.
“M&A vẫn là giải pháp tái cấu trúc ngân hàng hiệu quả nhất, không chỉ với tổ chức tín dụng yếu kém mà còn đem lại lợi thế cả cho những ngân hàng “khỏe mạnh”- bà Hòa nhận xét và nói thêm, hiện NHNN đang trình Chính phủ một số cơ chế hỗ trợ để các ngân hàng tích cực hơn nữa tham gia vào quá trình M&A.
Tuy nhiên, để giao dịch M&A thành công thì phải trải qua nhiều quá trình, từ thương thảo, đàm phán hợp đồng cho tới ký kết hợp đồng mua bán M&A…. vì thế cần một thời gian nhất định. Riêng với những giao dịch M&A mà NHNN vừa chấp thuận về mặt chủ trương (thương vụ 2 ngân hàng thương mại sáp nhập với nhau, và 1 ngân hàng thương mại mua lại công ty tài chính), bà Nguyễn Thị Hòa khẳng định, sẽ nhanh chóng được các bên hoàn tất và công bố trong năm 2014.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2014 tổ chức ngày 19/4, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) đã có tờ trình ĐHCĐ về việc sẽ tham gia mua lại hoặc sáp nhập một công ty tài chính. Lý giải được HĐQT SHB đưa ra, hiện đang là cơ hội cho SHB nhận sáp nhập một công ty tài chính để tái cấu trúc thành một đơn vị trực thuộc SHB tập trung phát triển mảng dịch vụ ngân hàng phục vụ tiêu dùng.
Mặc dù chưa có công bố chính thức về tên công ty tài chính được sáp nhập, nhưng giới tài chính nhận định nhiều khả năng đây là Công ty Tài chính cổ phần Vinaconex – Viettel (VVF). Hiện nay VVF có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, tương đương 47,6 triệu USD, trong đó Vinaconex sở hữu 33% và Viettel sở hữu 21%. Cả hai tập đoàn này đều đang có kế hoạch thoái vốn khỏi VVF.