Nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nhiều nam giới
Theo số liệu thống kê, có tới 15% nam giới có nguy cơ mắc căn bệnh này, đây là nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nhiều nam giới cũng như ảnh hưởng đến chất lượng “chuyện chăn gối vợ chồng”.
Bệnh nhân H.Đ.C. (24 tuổi, ở Long Biên, Hà Nội) xuất hiện triệu chứng đau tức vùng bẹn bìu trái 2 năm nay. Những ngày đầu, anh chủ quan chỉ nghĩ là đau tức bình thường, nhưng càng về sau, bệnh không thuyên giảm, đau liên tục và có dấu hiệu tăng dần.
Anh C. tới bệnh viện kiểm tra được bác sĩ khám lâm sàng và làm xét nghiệm chuyên sâu. Kết quả bị suy giãn tĩnh mạch thừng tinh trái cấp độ III nên có chỉ định phẫu thuật. Nếu không điều trị sớm có thể dẫn đến nguy cơ gây vô sinh. Nghe tới giãn tĩnh mạch thừng tinh, anh C. hoang mang vì chưa nghe thấy bao giờ.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh - nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn ở nam giới (Ảnh minh họa). |
BSCKII. Nguyễn Văn Thưởng - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, giãn tĩnh mạch thừng tinh là tình trạng giãn bất thường của đám rối tĩnh mạch trong bìu, có khoảng 15% nam giới bị bệnh này, thường xảy ra ở lứa tuổi sau dậy thì.
Bệnh chia ra làm 4 cấp độ, ở cấp độ từ 0 - II thường không có các dấu hiệu cụ thể. Chỉ đến khi giãn đến độ II, III - mức độ buộc phải điều trị, bệnh nhân mới có triệu chứng đau, nặng nề vùng bìu, bẹn, thấy rõ các búi mạch bị giãn, ngoằn ngoèo như búi giun.
Bệnh không gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt ngày thường, tuy nhiên BS Thưởng khuyến cáo: Nếu không điều trị sớm, bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với vô sinh hoặc suy sinh dục do loạn dưỡng tinh hoàn. Bởi bệnh làm cho số lượng tinh trùng giảm, chất lượng giảm sút, máu ứ đọng làm tăng nhiệt độ tinh hoàn ảnh hưởng đến việc sản xuất tinh trùng ở nam giới. Ngoài ra, bệnh gây ảnh hưởng đến đời sống chăn gối của nam giới sau kết hôn.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, giãn tĩnh mạch thừng tinh chiếm khoảng 19-41% các trường hợp nam giới bị vô sinh tiên phát và khoảng 45-85% các trường hợp vô sinh thứ phát.
Biểu hiện của giãn tĩnh mạch thừng tinh là bìu to lên bất thường, xuất hiện những mạch máu ở dưới da bìu; bìu sưng to lên; khó chịu ở vùng bìu, bẹn; tinh hoàn có biểu hiện bên to bên nhỏ; thể tích tinh hoàn nhiều hơn so với người cùng tuổi; Có thể sờ thấy thừng tinh dày lên, có tương đối nhiều tĩnh mạch giãn mềm, nổi ngoằn nghèo như búi giun trên da.
Tuy nhiên, để chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán niêm mạc. Nếu bệnh nhân phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, bệnh chưa có những biểu hiện cụ thể ra bên ngoài thì chúng ta nên đến bác sĩ để thăm khám và thậm chí phải sử dụng đến những phương tiệm cận lâm sàng như siêu âm mạch máu. Vì có những trường hợp phải qua siêu âm mới có thể phát hiện được giãn tĩnh mạch thừng tinh.
Đối với trường hợp của bệnh nhân C., bác sĩ Thưởng cho biết, cần phải thực hiện vi phẫu tĩnh mạch tinh (mổ mở, thắt các tĩnh mạch bị suy) để tránh ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng sau này.
Để đảm bảo an toàn sức khỏe và tránh tái phát sau mổ, các bác sĩ lưu ý, bệnh nhân nên tìm đến bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được các bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm thực hiện thăm khám, điều trị.
Tùy vào tình trạng sức khỏe, bác sĩ có chuyên môn cao sẽ tìm chính xác các búi tĩnh mạch bị suy, không làm tổn thương đến ống dẫn tinh gây các biến chứng nguy hiểm ở người bệnh.
Khánh Chi