Người Việt ở nước ngoài - “Sứ giả” góp phần quảng bá sản phẩm, thương hiệu hàng Việt ra thế giới
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối vừa cung cấp thông tin về thị trường, thị hiếu,... giúp các DN sản xuất hàng hoá đáp ứng tiêu chí, đồng thời vừa quảng bá sản phẩm, thương hiệu, đưa hàng Việt Nam đến các nước sở tại…
Nói về vai trò của thương hiệu quốc gia trong diễn đàn Thương hiệu quốc gia mới đây, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Bee Logistics cho biết, thương hiệu quốc gia tạo sự gắn kết đội ngũ, cải tiến năng lực cạnh tranh, tạo ra những giá trị có sức mạnh trên thị trường. Thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia có mối quan hệ rất chặt chẽ, mang tính tác động qua lại, ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau.
Theo ông Thạnh, khi một doanh nghiệp có sản phẩm với thương hiệu uy tín thì thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng cao và khi một quốc gia có nhiều doanh nghiệp với thương hiệu mạnh sẽ là nền tảng quan trọng để nâng tầm thương hiệu của một quốc gia và thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Ngược lại, khi thương hiệu quốc gia được nâng tầm trên thị trường quốc tế thì lại tạo ra một sự bảo chứng về uy tín và chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam, tự tin vươn mình cùng với các doanh nghiệp ngoại quốc, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Một số sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia được trưng bày tại diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam 2022. (Ảnh: Minh Thư) |
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, những thành tựu hết sức to lớn của đất nước ta trong những năm qua là kết quả của việc phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, trong đó có sự đóng góp và vai trò hết sức quan trọng của cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là cộng đồng các doanh nhân người Việt đang hoạt động ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu, vai trò của doanh nhân kiều bào ngày nay không chỉ giới hạn ở nguồn tài chính chuyển về nước dưới hình thức đầu tư và kiều hối hàng năm, mà họ còn có vai trò lớn trong thúc đẩy hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong những hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, giữa các doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp của nhiều nước ở các khu vực trên thế giới.
Cộng đồng doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài với kiến thức, kinh nghiệm ở sở tại, và tình yêu quê hương đã vượt qua nhiều thách thức để đưa hàng hóa từ Việt Nam đến các nước sở tại. Các cơ sở phân phối, quảng bá hàng Việt Nam ở nước ngoài của kiều bào tuy quy mô còn hạn chế nhưng đã phủ sóng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần quảng bá sản phẩm Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Trong đó, một số trung tâm thương mại, chợ Việt Nam có quy mô lớn và còn nhiều dư địa để hợp tác với trong nước. Bên cạnh đó, cộng đồng cũng hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp trong nước tìm hiểu về hệ thống luật pháp các nước, thị hiếu của người bản địa nhằm chọn lọc và đưa những sản phẩm Việt Nam vào hệ thống phân phối nước bạn, thậm chí đưa cả các sản phẩm Việt Nam lên nền tảng giao dịch trực tuyến quốc tế, giúp những sản phẩm đậm chất Việt được biết đến rộng rãi hơn.
Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Doanh nhân Việt Nam tại châu Âu cho biết, hiện có 80% người Việt hoạt động kinh doanh tại đông Âu. Các doanh nghiệp Việt nhập khẩu hàng hoá Việt Nam và châu Âu, đưa trực tiếp đến người tiêu dùng và đem vào hệ thống cung ứng của các doanh nghiệp nước sở tại. Và kiều bào là nguồn cung cấp thông tin quý giá đối với doanh nghiệp trong nước, thông tin về thị trường, thị hiếu, luật pháp... để sản xuất hàng hoá đáp ứng tiêu chí vào châu Âu.
Theo ông Huê, có thể quảng bá sản phẩm, thương hiệu Việt Nam thông qua hệ thống trung tâm thương mại quy mô của người Việt tại các nước châu Âu như Nga, Séc, Đức, Ba Lan... Đây là địa điểm lý tưởng để đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể quảng bá sản phẩm thương hiệu thông qua các thương hiệu thành đạt của người Việt Nam ở nước ngoài, quảng bá thương hiệu hàng hoá thông qua các hoạt động ngày văn hoá, thể thao của cộng đồng người Việt nước sở tại.
Để nhận diện thương hiệu quốc gia ở bên ngoài, theo bà Trần Tuệ Tri, Phó Chủ tịch Thương hiệu toàn cầu của Unliever, Giám đốc truyền thông Tổ chức AVSE Global cho hay, ngoài việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần quan tâm đến mẫu mã sản phẩm, công tác quảng bá sản phẩm và đặc biệt là nắm bắt hiểu rõ nhu cầu của người tiêu dùng.
Bà Tri cho biết, nhiều sản phẩm rất thành công ở Việt Nam nhưng ra bên ngoài không được người tiêu dùng ủng hộ. Và để thương hiệu quốc gia đến với bà con kiều bào và bạn bè quốc tế, chúng ta cần tổ chức nhiều hoạt động, diễn dàn để mọi người hiểu rõ hơn về đặc điểm nhận diện thương hiệu quốc gia mình để quảng bá, giới thiệu rộng rãi tới bạn bè quốc tế.
Thảo Nguyên