Người Vân Kiều ở xã Trường Sơn vay vốn để vươn lên thoát nghèo
Xã Trường Sơn có địa hình đồi núi chia cắt, nhiều thôn bản nằm cách biệt nhau, đi lại còn rất khó khăn. Dân xã Trường Sơn sống thuần nông nghiệp và trồng rừng, nên điều kiện phát triển kinh tế sản xuất cũng đang thiếu thốn, nhất là nguồn vốn và kiến thức khoa học kỹ thuật.
Thông qua các nguồn vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo bền vững huyện Quảng Ninh…nhiều hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
Gia đình chị Hồ Thị Hạnh- người Vân Kiều ở bản Bến Đường là một hộ nghèo của xã, năm 2013 gia đình chị vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư trồng rừng và phát triển chăn nuôi bò. Đến nay gia đình chị có trên 5 héc ta rừng trồng gỗ nguyên liệu, 5 con bò và 3 con trâu...đưa lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Người Vân Kiều ở Bản Khe Cát với mô hình trồng đót phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. |
Chị Hồ Thị Hạnh cho biết “những năm trước đây, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng để đầu tư trồng rừng kinh tế. Sau khi thu hoạch rừng, gia đình tôi đã trả nợ ngân hàng đầy đủ; số tiền còn thừa tôi tiếp tục đầu tư mua cây giống để trồng rừng và chăn nuôi. Mới đây được Ngân hàng xét cho vay vốn gia đình tôi đã mua trâu, bò về để chăn nuôi. Hiện nay gia đình tôi đã thoát nghèo, nâng cao thu nhập và có điều kiện để nuôi các con ăn học”.
Những năm qua, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Ninh đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc vay vốn ưu đãi cho nhiều hộ đồng bào dân tộc, hộ nghèo, cận nghèo. Nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã không ngừng được giải ngân đến các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là đối với đồng bào dân tộc Vân Kiều xã miền núi Trường Sơn. Từ đó, các hộ dân vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Ngoài nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhiều hộ nghèo dân tộc Vân Kiều ở Bản Khe Cát (xã Trường Sơn), đã được Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để thực hiện triển khai mô hình phục hồi và khai thác bền vững cây đót tại địa bàn.
Mô hình phát triển kinh tế có 10 hộ nghèo là đồng bào dân tộc Vân Kiều, mỗi hộ thử nghiệm 0,5 ha trồng đót... Trong quá trình thực hiện, các hộ được Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo hỗ trợ kinh phí chăm sóc và kỹ thuật sản xuất cây đót.
Sau 1 năm triển khai thực hiện, cây đót phát triển rất tốt, người dân đã tiến hành thu hoạch; bình quân mỗi hộ có thu nhập khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, các hộ đang mở rộng thêm diện tích trồng đót.
Từ nguồn vốn chính sách đã tạo động lực, điểm tựa cho các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc Vân Kiều dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước thoát nghèo bền vững.
Ông Hoàng Đại Túy - Phó giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Ninh cho biết “Đối với xã Trường Sơn, Ngân hàng chính sách xã hội huyện Quảng Ninh thực hiện 9 chương trình cho vay với tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng, giải quyết cho 566 lượt hộ vay; đặc biệt chú trọng các chương trình cho vay ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ gia đình sản xuất kinh doanh. Những đồng vốn đã thật sự phát huy hiệu quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo, giúp nhiều hộ gia đình ổn định cuộc sống”.
Tài chính là trợ lực trong phát triển kinh tế, nhưng đối với các hộ dân tộc Vân Kiều ở xã Trường Sơn thì ngoài nguồn vốn vay ưu đãi, họ cần được trang bị kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất, phát triển kinh tế.
Chính quyền địa phương cần phối hợp nhiều hơn nữa với các hội, đoàn thể, các ban, ngành tổ chức các chương trình tập huấn, giới thiệu nhiều hơn các mô hình kinh tế để người dân được tiếp cận đa chiều. Từ đó, từng hộ dân áp dụng vào từng điều kiện cụ thể của gia đình để có hướng làm kinh tế phù hợp.
Có thể khẳng định rằng, nguồn vốn chính sách đã trở thành yếu tố quan trọng, điểm tự giúp bà con thoát nghèo bền vững và vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần tích cực thực hiện tiêu chí hộ nghèo trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở xã miền núi khó khăn này.