Người từng mắc Covid-19 nhiễm sốt xuất huyết sẽ nguy cơ nặng hơn?
Bé Phan Nguyễn Việt H (5 tuổi đến từ Đồng Tháp) vừa trải qua nửa tháng điều trị bệnh kịch tính nhất cuộc đời mình vì sốt xuất huyết sau Covid-19.
Bệnh nhi sốt cao liên tục, nổi mề đay trong 2 ngày. Trước đó, tiền sử bệnh nhi từng nhập viện khoa Nhiễm điều trị Covid -19 vào tháng 12/2021.
Việt H. được áp dụng lọc máu hấp phụ và lọc máu liên tục để giảm phản ứng viêm, hỗ trợ chức năng các cơ quan, song song với điều trị nhiễm trùng tích cực, dinh dưỡng đường tĩnh mạch, globulin huyết thanh miễn dịch phù hợp,.. để giải quyết tình trạng đồng nhiễm nhiều tác nhân (siêu vi dengue, vi trùng) và phản ứng viêm liên quan SARS-CoV-2, tất cả tạo nên phản ứng viêm rất mạnh, gây ra cơn bão cytokin, tấn công mạnh và gây tổn thương nhiều cơ quan, suy gan thận, não, rối loạn đông máu nặng nề..
BS CK2 Lê Vũ Phượng Thy, trưởng Khoa Hồi sức Tích cực Chống độc BV Nhi đồng Thành phố cho biết bệnh nhi sốt cao liên tục, được truyền dịch điện giải theo phác đồ sốt xuất huyết dengue có dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên em nhanh chóng lơ mơ, ngủ gà, sốt cao khó hạ, mạch luôn nhanh nguy kịch, được chuyển HSTC sau 4 ngày điều trị.
Tại ICU, bệnh nhi nhanh chóng được ổn định hô hấp, huyết động và tiến hành lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ để loại bỏ cơn bão cytokin.
Đây là một trong những ca nhiễm trùng huyết nặng - sốc nhiễm trùng đầu tiên được áp dụng lọc máu hấp phụ cytokin tại khoa Hồi sức tích cực - chống độc và cho thấy hiệu quả của phương pháp này trong việc ngăn chặn cơn bão cytokin, hạn chế tổn thương các cơ quan.
Cậu bé 15 tuổi bão cytokine vì sốt xuất huyết hậu Covid-19 |
Trong thời gian này hiện có rất nhiều ca bệnh nặng nguy kịch, trong đó có nhiều bệnh nhi trẻ và không có bệnh lý nền.
Các bác sĩ cho rằng bệnh Covid đi qua, nhưng cái hậu và cái bóng của nó vẫn quá lớn, rồi khi sốt xuất huyết và các bệnh lý nhiễm trùng nguy hiểm khác vẫn luôn rình rập người bệnh.
BS CKII Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cũng cho biết trẻ đã từng mắc Covid-19 trước đó giờ bị sốt xuất huyết thì khả năng vào sốc cao hơn nhóm chưa từng nhiễm Covid-19. Từ đó có thể thấy Covid-19 có khả năng gây ảnh hưởng tới độ nặng của sốt xuất huyết.
Những bệnh nhân như vậy điều trị rất khó khăn. Với triệu chứng viêm đa hệ thống sau Covid-19 sẽ được điều trị chống viêm bằng corticoid hoặc dùng thêm các thuốc chống đông. Trong khi đó, corticoid và thuốc chống đông lại không được phép sử dụng trong điều trị sốt xuất huyết.
Trong khi đó, trẻ có thể bị sốt xuất huyết ngay cả khi trẻ không có các triệu chứng điển hình của bệnh. Trẻ có thể bị sốt không cao hoặc không sốt liên tục nhưng trẻ vẫn có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. Phụ huynh cần chú ý tới các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện bệnh kịp thời.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM - HCDC, trong tuần 23 (từ ngày 3 đến 9-6), TP ghi nhận 1.586 ca bệnh sốt xuất huyết trong đó gồm 936 ca nội trú và 650 ca ngoại trú, tăng 12,3% so với trung bình 4 tuần trước (1.412 ca), số ca nội trú tăng 15% và ngoại trú tăng 8,7%.
Số ca mắc tích lũy đến ngày 9/6 là 13.520 ca (8.123 ca nội trú và 5.397 ca ngoại trú), tăng 87,6% với cùng kỳ năm 2021 là 7.206 ca.
Còn số ca sốt xuất huyết nặng đến ngày 9/6 là 238 ca. Trong tuần chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tính đến nay TP đã có 8 ca tử vong, tăng 6 ca so với cùng kỳ năm 2021 (2 ca).
Cũng trong thời gian này, TP ghi nhận 123 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 77 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện và TP Thủ Đức; tăng 12 ổ dịch mới so với tuần trước đó.
Khánh Chi