Người trồng chè ở Thái Nguyên đã có thể sống được với nghề.
Nhưng cũng như nhiều nông sản khác của VN, chè Thái Nguyên đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại thương hiệu mà việc bảo vệ, gìn giữ không hề đơn giản.
Thái Nguyên hiện có khoảng 17.500ha chè, trong đó có 50% diện tích sản xuất chè xanh, 30% sản xuất nguyên liệu chè cao cấp và 20% sản xuất nguyên liệu chè đen. Sản lượng chè búp tươi đạt khoảng 130.000 tấn/năm.
Chưa chú trọng đăng ký nhãn hiệu
Từ năm 2008, thương hiệu chè Thái Nguyên đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) chứng nhận, với tên gọi "Chè Thái". Thương hiệu “Chè Thái” gắn với địa danh Tân Cương nổi tiếng về chất lượng chè thơm, ngon, sạch, an toàn; có hương vị, mùi thơm đặc trưng, nước trà xanh chát ngọt... được coi là sự hội tụ của "hương đất, mật trời".
Người trồng chè ở Thái Nguyên đã có thể sống được với nghề.
Mặc dù thương hiệu đã được khẳng định, nhưng chính những người trồng chè Thái Nguyên lại ít sử dụng cho sản phẩm chè của mình. Điều này dẫn tới chè Thái bị đánh đồng với các loại chè khác hoặc bị lợi dụng... Trong "cơn bão" chè bẩn vừa qua, thương hiệu chè Thái đã bị ảnh hưởng không nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Ngà - Chủ tịch Hội ND Thái Nguyên cho biết: Hiện Hội đang chịu trách nhiệm quản lý việc đăng ký nhãn hiệu chè Thái trên địa bàn. Nếu năm 2008 chỉ có 38 doanh nghiệp thì đến nay đã có 350 doanh nghiệp, HTX đăng ký nhãn hiệu.
Các thành viên tham gia đăng ký nhãn hiệu phải đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn sau: Chế biến chè từ nguyên liệu tại tỉnh; cơ sở sản xuất, chế biến đóng trên địa bàn; sản phẩm chè ổn định từ 1 tấn chè búp khô/năm, chất lượng chè ổn định.
"Người làm chè Thái Nguyên vẫn chưa hiểu hết lợi ích của việc đăng ký nhãn hiệu, mặc dù không mất tiền nhưng họ vẫn không đăng ký. Chỉ đến đầu năm 2011, khi biết Thái Nguyên tổ chức Festival Trà quốc tế, nhận thấy cơ hội tốt để quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình, các doanh nghiệp, HTX... mới ồ ạt đi đăng ký, bởi họ hiểu đây là cơ hội tốt để chè Thái xây dựng thương hiệu vươn ra thế giới" - bà Ngà cho hay.
Hướng tới sản xuất an toàn
Để đảm bảo uy tín và chất lượng cho sản phẩm và thương hiệu chè Thái, mục đích mà vùng chè Thái Nguyên hướng tới là phải sản xuất chè theo hướng an toàn. Ông Hoàng Văn Tiến ở xã Tân Cương (TP.Thái Nguyên), một hộ nổi tiếng về trồng chè có chất lượng cho biết: "Từ khi xây dựng được thương hiệu, chất lượng chè của địa phương đã được nâng lên rõ rệt. Năng suất cũng tăng, thu nhập đạt 100 triệu đồng/ha/năm. Theo tôi, để thương hiệu chè Thái bền vững và vươn xa, ngoài việc quản lý chặt để ngăn chặn "chè bẩn", việc bức thiết là đầu tư trồng và chế biến chè theo hướng sản xuất an toàn".
Xu hướng tất yếu của ngành chè nói chung và chè Thái Nguyên là phải đầu tư sản xuất sạch, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng VietGAP. Thái Nguyên đã có một số vùng chè đạt tiêu chuẩn VietGAP như Tân Cương, Đại Từ, Phú Bình... |
Việc sản xuất chè an toàn, chè sạch đòi hỏi ngay từ khâu trồng, chăm sóc đến chế biến đều theo phương pháp an toàn sinh học như chỉ dùng phân vi sinh, đuổi sâu bọ bằng phương pháp sinh học, không dùng hóa chất trong quá trình sao chè...
Chị Lê Thị Thu ở xóm 4, xã Quận Chu (huyện Đại Từ) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng chè đã hàng chục năm nay. Làm chè sạch thì vất vả và năng suất cũng thấp hơn, vì không sử dụng thuốc hoá học trừ sâu, phân hoá học và thuốc kích thích. Nhưng đổi lại chất lượng và giá chè lại cao hơn hẳn...”.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - Giám đốc Công ty Chè Sông Cầu (huyện Đồng Hỷ) cho rằng: "Xây dựng thương hiệu chè đã khó, bảo vệ còn khó gấp bội. Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà quản lý và người sản xuất. Có như vậy người sản xuất mới có lãi, doanh nghiệp mới mở rộng được thị trường tiêu thụ".
Theo ghi nhận của PV, đây cũng là vấn đề quan tâm chung của các doanh nghiệp và người trồng chè Thái Nguyên.