Người phụ nữ mặc áo dài, đứng sau cửa kính làm điều lạ lùng mỗi chiều ở TPHCM
"Sân khấu đặc biệt"
17h20, chị Phạm Thị Thu Hiền (SN 1980, chủ một cửa tiệm kinh doanh áo dài trên trên đường Lý Chính Thắng, TPHCM) lặng lẽ giặm lại phấn. Sau đó, chị đội tóc giả, mặc bộ áo dài đẹp nhất và mang đôi guốc cao.
Trong khi đó, nhân viên của chị đặt 2 chiếc loa lớn ra phía trước cửa tiệm. Phía sau cửa kính trong suốt, chị kéo tấm màn nhung, chỉnh lại chiếc mic đậm nét hoài cổ...
Khi mọi việc hoàn tất, tiếng nhạc vang lên. Chị Hiền cầm mic, bước lên “sân khấu” được dựng phía sau tấm cửa kính, hát nhép những ca khúc mà mình đã thu âm từ trước.
Giọng hát hay cùng phong cách biểu diễn không khác những ca sĩ thập niên 1990 của chị khiến người đi đường ngạc nhiên, thích thú.
Nhiều người đang di chuyển trên vỉa hè dừng lại ngắm nhìn, nghe chị hát. Người đi xe vẫy tay, hạ kính xe ô tô chào, chụp ảnh chị.
Chị Hiền đứng hát bên trong cửa tiệm áo dài từ nhiều tháng trước với nhiều lý do. Trước Tết, chị thấy chi phí thuê mặt bằng đắt đỏ nhưng cửa tiệm chưa được nhiều khách hàng chú ý.
Thế nên, chị muốn làm điều gì đó thật độc đáo để thu hút khách hàng. Từng là MC, diễn viên, chị tự tin mình có thể hát, biểu diễn trên sân khấu. Suy nghĩ này khiến chị nảy ra ý tưởng đứng hát tại cửa tiệm mỗi chiều.
Chị chia sẻ: “Tôi có ý định hát tại cửa tiệm từ lâu, nhưng chưa dựng được sân khấu như mong muốn. Tháng 3 vừa rồi, khi thành phố thực hiện chương trình lễ hội áo dài, tôi cũng tham gia, đem sản phẩm của mình trưng bày tại phố đi bộ.
Tại đây, tôi dựng sân khấu như những gì mình hình dung để giao lưu với mọi người. Sự kiện rất thành công.
Sau đó, tôi đem ý tưởng này về thực hiện tại cửa tiệm. Tôi bật nhạc, hát và được nhiều người đón nhận nên tiếp tục đến bây giờ”.
Để tiếng nhạc của mình không gây ảnh hưởng, làm phiền người khác, chị không mở loa quá to. Trước đó, chị cũng đến trao đổi, xin phép những nhà xung quanh.
Vì bị liệt một dây thanh quản, chị Hiền không thể đứng hát trực tiếp trước đám đông. Do đó, chị chọn cách đến phòng thu, thu âm những ca khúc yêu thích.
Phần lớn đó là những ca khúc nhạc xưa mà bố chị thường nghe như: Lệ đá, Con đường xưa em đi, Sài Gòn đẹp lắm… Sau khi có bản thu âm, chị phát và hát nhép trên chính tiếng hát của mình vào mỗi chiều từ thứ Hai đến thứ Sáu.
Thỏa đam mê
Dù hát nhép nhưng chị hát khớp khẩu hình. Phần trình diễn của chị đẹp mắt, chuyên nghiệp, đến nỗi hầu như không ai nhận ra chị đang hát nhép.
Chị tâm sự: “Nói là hát nhép nhưng không hề dễ dàng. Bởi, khi hát mà không được phát ra âm thanh thường rất khó chịu.
Hơn thế, tôi phải biểu diễn sao cho sống động và có hồn, có cảm xúc thật, nếu không sẽ trở nên khiên cưỡng, khiến người xem khó chịu. Để làm được điều này, khi hát tôi phải tìm thấy cảm xúc của riêng mình và truyền tải cảm xúc ấy đến người nghe, người xem.
Đó là lý do tôi không thuê người hát hoặc bắt chước phong cách, hát nhép giọng hát của người khác. Tôi muốn thể hiện những gì là của riêng mình. Điều khiến tôi hạnh phúc là đến nay, chưa ai nhận xét tôi giống với nghệ sĩ, ca sĩ nào”.
Ngoài mục đích tìm thêm khách hàng cho cửa tiệm, chị Hiền còn đứng hát để thỏa đam mê tà áo dài, nỗi nhớ sâu khấu và sở thích ca hát của mình. Trước đó, chị vốn là nhà thiết kế quần áo thời trang, âu phục.
Nhưng khoảng gần 10 năm trở lại đây, chị đặc biệt yêu thích áo dài. Với chị, áo dài là loại trang phục che khuyết điểm, tôn ưu điểm ngoại hình của người phụ nữ.
Nhiều năm trước, chị thành lập Hội người đẹp mê áo dài thu hút rất nhiều hội viên tham gia. Mỗi tháng, chị tổ chức cho hội viên đi chụp ảnh với áo dài miễn phí, rồi tặng luôn các sản phẩm này cho họ.
Những năm trở lại đây, do tập trung kinh doanh, chị không có nhiều thời gian hoạt động trong hội này. Tuy vậy, tình yêu dành cho tà áo dài của chị vẫn vẹn nguyên.
Mỗi khi bước lên “sân khấu” của riêng mình, chị chỉ mặc áo dài và trưng bày các bộ áo dài đặc biệt do mình thiết kế.