Người phụ nữ đi bằng 2 tay và ước mơ nhận con nuôi
54 năm “bước đi” bằng đôi bàn tay
Về Hoài Thượng hỏi thăm nhà chị Hải đi bằng hai tay, người dân nơi đây tận tình hướng dẫn đến tận nơi.
Chúng tôi đến căn nhà nhỏ nằm ven đê sông Đuống, khi chị Hải đang ăn bữa trưa. Bữa cơm vẻn vẹn có quả cà, bát nước sôi dùng làm canh cho dễ nuốt. Thấy khách lạ, chị niềm nở chào hỏi và kể về cuộc đời mình. Những tưởng với đôi chân teo tóp không thể bước đi, chị sẽ u buồn, nhưng thay vào đó là sự hồ hởi, vui vẻ.
Bữa cơm vẻn vẹn có quả cà, bát nước sôi dùng làm canh cho dễ nuốt của chị Hải
“Lúc nhỏ, tôi cũng chỉ quanh quẩn trong nhà. Tôi thích học lắm nhưng chỉ học hết cấp 1. Lên cấp 2, trường học xa nhà, đi lại khó khăn nên đành bỏ dở việc đến trường, ở nhà phụ mẹ công việc nhà cửa, đồng áng”.
Nhìn thấy người ta ra đồng, mình cũng lê lết đem cuốc ra đồng. Ra ruộng, người ta đứng cuốc ruộng, mình phải ngồi, tuy chậm nhưng mình tự lao động, cũng thấy vui. Mỗi ngày, tôi lê từng bước ra bờ đê đầu làng quét lá về cho mẹ nấu cám nuôi lợn, rồi phụ mẹ thái chuối băm bèo, chăm sóc đàn lợn. Ra chợ thấy người ta làm bánh tráng, về nhà cũng xin bố mẹ cho làm thử. Chân không đi được nên làm gì cũng khó khăn, thất bại không làm tôi từ bỏ mà ngày càng cố gắng làm tốt hơn.
Bạn bè cùng trang lứa lần lượt lấy chồng, sinh con. Chị Hải vẫn lầm lũi một mình bên cha mẹ. Nhiều lần, thương con gái, cha mẹ động viên chị lấy chồng để có người bầu bạn nhưng vì lòng tự trọng, sợ trở thành gánh nặng cho người khác, chị đành ở vậy.
Khi cha mẹ khuất núi, không muốn phiền lụy anh chị em, chị Hải lên bờ đê đầu làng dựng một mái lều nhỏ làm nơi sống qua ngày.
“Quê tôi không có đất trồng trọt, năm nào cũng bị lũ lụt triền miên. Khi bố mẹ còn sống, hưởng ứng cuộc vận động trồng cây chống lũ trên bờ đê, gia đình tôi cũng trồng được hơn chục gốc tre. Cha mẹ khuất núi, tôi ra đây lấy đất tăng gia, mỗi ngày ngồi cuốc đất, cạp đất bồi đắp cạnh bờ đê. Dần dần một mảnh đất nhỏ vuông vắn cạnh bờ đê cũng dần hình thành”, chị Hải kể về những tháng ngày vất vả gian nan.
Bằng nghị lực phi thường, chị vẫn vượt qua mọi khó khăn để sống. Từ di chuyển đến
những việc nặng nhọc đều chỉ bằng hai đôi bàn tay nhỏ bé của chị Hải
Lúc rảnh rỗi, chị Hải tết võng đay kiếm thêm thu nhập
“Ngôi nhà cũ bị bay đi, tôi lại đi vay mượn anh em họ hàng, mua vật liệu về dựng lại ngôi nhà mới. Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và bà con hàng xóm, tôi đã có mái nhà để tránh mưa, tránh nắng”.
Xung quanh ngôi nhà nhỏ của chị Hải là căn bếp cùng chuồng lợn, chuồng gà do chính tay chị xây nên. Tất cả bếp, chuồng lợn, chuồng gà đều cao khoảng 1m, người bình thường muốn bước vào phải cúi lom khom.
Vừa băm chuối cho lợn, chị vừa tâm sự: “Chuồng lợn này gắn bó với tôi từ ngày bắt đầu ra đây sống. Việc nuôi lợn đã gắn bó với tôi gần chục năm nay, nó cho tôi thu nhập và cuộc sống bớt khổ hơn. Tôi mua lợn còi của hàng xóm về nuôi, khi nào bán được lợn thì trả tiền cho người ta. Tôi chăm sóc đàn gà, gà lớn lên thì bán gà mua ngô, mua thóc để nuôi đàn lợn. Mỗi năm nuôi được 2 lứa lợn, lúc bán được giá cũng được đôi ba triệu để dành mua gạo ăn trong năm"
Thái rau chuối chăm đàn lợn sắp xuất chuồng
Bước đi bằng đôi bàn tay nhưng hàng ngày, chị Hải vẫn bận rộn chăm sóc đàn gà, đàn lợn. Hết thái chuối băm bèo lại nấu cám cho lợn ăn. Khi xong việc nhà, chị lại lê từng bước ra đồng, chăm sóc luống đay chờ ngày thu hoạch.
Ngôi nhà nhỏ của chị vẻn vẹn có chiếc giường cũ cùng vài chiếc chum sành đựng lúa, đựng ngô nuôi lợn. Bên cạnh chiếc giường cũ, chị có mở 1 cái cửa sổ nhỏ, vừa thông gió, vừa trông đàn gà ngoài vườn, vãi thóc gạo cho gà ăn.
Và khao khát có một đứa con nuôi
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi tiếng trẻ con ngoài sân. Cuộc sống một mình cô quạnh, chị Hải lấy niềm vui từ những cô bé, cậu bé hàng xóm.
“Xung quanh nhà, tôi trồng cây ăn quả, có na, chuối, mít… mùa nào quả ấy, nhưng chẳng bao giờ bán. Mùa quả đến chủ yếu chia cho trẻ con. Mình không có con thì chia cho cháu, cho trẻ con hàng xóm”, chị Hải chia sẻ.
Khi chúng tôi hỏi về ước mơ lớn nhất của chị. Chị Hải tâm sự: “Ước mơ lớn nhất của tôi là được nhận một đứa con nuôi. Những lúc bồng bế cháu cho anh chị, mình cũng khát khao có một đứa con cho riêng mình. Nhưng nghĩ phận mình chưa lo nổi cho mình, có con lại phiền đến người thân nên lại thôi”.
Tuổi càng cao, cuộc sống cô đơn khiến chị càng khát khao có một đứa con nuôi để vui cửa vui nhà và cậy nhờ lúc tuổi già.
“ Nhìn từng đứa trẻ trong xóm lớn lên rồi dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái. Tôi càng khát khao xin một đứa con nuôi. Nhưng khát khao này còn xa vời quá”, chị Hải ngậm ngùi.
Ước mơ lớn nhất của chị Hải bây giờ là có được một đứa con, dù là con nuôi để vui cửa vui nhà
và nương tựa lúc tuổi giả.
Chị Nguyễn Thị Minh – Thôn Đông Miếu, Hoài Thượng, Thuận Thành, Bắc Ninh