Người phụ nữ dân tộc Tày giỏi làm kinh tế
Những năm trước đây, gia đình chị Quan Thị Giang, dân tộc Tày thôn Thôm Mèo, xã Xuân La, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn vẫn là hộ nghèo, mỗi năm thiếu đói từ 1 – 2 tháng. Khi ấy, đói nghèo là cảnh chung của các hộ trong thôn vì đường sá đi lại khó khăn, sản xuất canh tác còn lạc hậu.
Tuy nhiên, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước, chính sách về phát triển kinh tế hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình chị đã chủ động thâm canh, tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi. Trên cơ sở nghiên cứu, học tập và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, chuyển đổi từ trồng lúa nước từ 1 vụ lên thành 2 vụ năm với diện tích 0,3 ha, tận dụng đất đồi trồng ngô, cây ăn quả như: Hồng, mận, cam, quýt, trúc, quế hồi… với diện tích 2ha dần dà gia đình chị đã có của ăn của để.
Chị Quan Thị Giang, một phụ nữ dân tộc Tày sản xuất, kinh doanh giỏi. |
Đến năm 1995, chị trồng được 2.000 cây quế và trồng một số cây ăn quả như nhãn, vải, hồng, thuê nhân công mở rộng và cải tạo rừng trúc. Năm 1998, gia đình chị đã dành dụm mua thêm được 2 héc-ta đất và trồng thêm 600 cây cam, quýt, 200 cây mận. Với số vốn ban đầu, năm 2009 chị tiếp tục đầu tư cải tạo ao nuôi cá, chăn nuôi ngựa bạch và trồng thêm 50 cây mận…Qua đó thu được những kết quả, mang lại thu nhập hàng năm cho gia đình, đã trừ chi phí là 320.000.000 đồng/năm.
Khi gia đình đã có của ăn của để, chị bắt đầu quay ra giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong thôn, xã cùng làm kinh tế để xóa đói giảm nghèo. Chị thường xuyên phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ ở địa phương. Việc làm của chị thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo.
“Đồng bào dân tộc miền núi mình hay ngại tiếp xúc, chia sẻ, nhưng lại rất thật thà, do vậy việc hướng dẫn người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong sản xuất không phải nói là làm ngay được, mình phải hướng dẫn tận tình và làm gương cho họ học tập”, chị Giang chia sẻ.
Không chỉ có vậy, hàng năm gia đình chị còn cung ứng giống, phân bón trả chậm cho hàng trăm hộ gia đình hội viên, hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho hội vien sản xuất, chăn nuôi phát triển kinh tế từ hộ nghèo, thoát nghèo trở thành hộ khá. Số lao động được gia đình tạo việc làm trong năm được là từ 80-90 hộ viên.
Gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và nội quy, quy ước, hương ước của địa phương, thôn bản, nhiều năm liền gia đình bà đạt danh hiệu gia đình văn hóa và 4 năm danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Các đóng góp hoạt động trong thôn chị đều tham gia đầy đủ như: tu sửa đường làng ngõ xóm và trong năm giúp đỡ được 1 gia đình nghèo với số tiền là 30 triệu đồng để chăn nuôi trâu, bò.
“Đạt được những thành tích trên là nhờ có sự bàn bạc, thống nhất của vợ chồng, sự ủng hộ của gia đình, địa phương, qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình, xóa đói giảm nghèo ở địa phương”, chị chia sẻ.
Với những nỗ lực của minh, chị vinh dự được trao tặng danh hiệu “Hộ sản xuất kinh doanh giỏi 3 năm 2010, 2012, 2013 của tỉnh; Bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam do có thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng 5 năm (2011-2017). Đặc biệt, trong năm 2014, gia đình chị được tặng Bằng khen của UBND tỉnh hộ sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2010-2014 và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu bình chọn Nông dân tiêu biểu xuất sắc năm 2014.