Người mẹ trẻ đổi đời sau bức ảnh chấn động 11 năm trước
Cuộc sống của một người mẹ trẻ từng gây xôn xao dư luận Trung Quốc thông qua một bức ảnh cách đây 11 năm nay đã có nhiều thay đổi tích cực.
Cách đây 11 năm, một bức ảnh về một người mẹ trẻ địu trên vai một bao tải lớn, phía trước địu đứa con nhỏ đang say sưa ngủ và một bên tay cầm theo chiếc túi xách nặng trĩu trên hành trình di cư về quê ăn Tết Nguyên đán từng gây xôn xao dư luận Trung Quốc về sự chịu thương chịu khó của người phụ nữ.
Bức ảnh được nhiếp ảnh gia Zhou Ke chụp vào ngày 30/1/2010 tại Ga Tàu hỏa thành phố Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây của Trung Quốc.
“Tôi không có thông tin về người mẹ trong bức ảnh, tôi rất lấy làm tiếc về điều này. Chúng tôi đã mất 11 năm để tìm kiếm danh tính người mẹ trẻ trong bức ảnh. Trước Tết Nguyên đán năm nay, chúng tôi đã nhận được một số manh mối và biết rằng người mẹ này có tên Bamu Yubumu là người dân tộc thiểu số sinh sống tại huyện Nhạc Tây thuộc khu tự trị Lương Sơn ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc”, ông Zhou cho hay.
Bức ảnh lột tả sự chịu thương chịu khó của người mẹ trẻ từng nổi danh ở Trung Quốc. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Khi tới gặp trực tiếp, nhiếp ảnh gia Zhou không khỏi ngạc nhiên bởi cô Bamu vẫn nhớ như in chuyến đi kéo dài 3 ngày 2 đêm từ thành phố Nam Xương về quê nhà ở vùng núi Daliangshan.
“Vào ngày hôm đó, tôi mang theo một chiếc túi xách và trên vai cõng một chiếc bao tải lớn cùng đứa con ở phía trước. Tôi mất 3 ngày 2 đêm ngồi trên tàu để trở về nhà. Khi mọi người hỏi tôi ‘Vì sao cô lại mang theo nhiều hành lý tới vậy, trong khi còn phải bế con nhỏ? Đồ đạc quá nặng’. Tôi trả lời rằng ‘Tôi không còn lựa chọn nào khác. Gia đình tôi rất nghèo”, cô Bamu nhớ lại.
Khác với câu chuyện diễn ra 11 năm trước, giờ đây nhờ hệ thống đường sắt cao tốc được mở rộng, thời gian di chuyển giữa thành phố Nam Xương của tỉnh Giang Tây với thành phố Thành Đô của tỉnh Tứ Xuyên đã được rút ngắn còn 8 giờ đồng hồ, và hành trình từ Thành Đô tới huyện Nhạc Tây giờ chỉ mất 6 tiếng.
Người mẹ trẻ năm nào nay đã 32 tuổi và có 4 người con. Tuổi thơ của Bamu gắn liền với cuộc sống vùng núi cao. Giống như nhiều người dân địa phương, Bamu chưa từng được tới trường học.
Cuộc sống của người mẹ trẻ nổi danh ở Trung Quốc cách đây 11 năm nay đã có nhiều thay đổi tích cực. (Ảnh: Tân Hoa Xã) |
Sau khi kết hôn, Bamu và chồng sinh sống trong căn nhà trên núi mà không có điện. Gia đình chỉ có một mảnh đất nhỏ để trồng ngô, khoai tây và kiều mạch.
Khi cô con gái thứ 2 chào đời vào năm 2009, Bami quyết định xuống núi để đi tìm việc. Sau đó, cô làm việc tại một nhà máy gạch ở thành phố Nam Xương với mức lương khoảng 500 nhân dân tệ/tháng (77 USD/tháng).
Thật không may, 5 tháng sau khi Bamu đưa con gái thứ hai về nhà, đứa trẻ đã qua đời do bị ngã. Đứa con thứ 3 của cô cũng qua đời chỉ sau vài ngày cất tiếng khóc chào đời vào năm 2011.
Cuộc sống của gia đình Bamu thay đổi khi chương trình xóa đói giảm nghèo của chính phủ Trung Quốc được triển khai tại ngôi làng cô sinh sống.
Vào năm 2014, gia đình của Bamu được chính quyền địa phương xác nhận là hộ nghèo. Vào năm 2018, gia đình Bamu được nhận tiền trợ cấp xây nhà của chính phủ với số tiền 40.000 nhân dân tệ (6.200 USD). Cùng với số tiền 70.000 nhân dân tệ (10.800 USD) tự gom góp sau bao năm lao động, Bamu và chồng đã xây một ngôi nhà bằng gạch và xi măng.
Kể từ năm 2013, Bamu lần lượt sinh thêm 3 người con tại bệnh viện địa phương. Viện phí được hoàn toàn miễn phí và cô còn nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền để chăm sóc y tế và cho các con đi học.
Học hỏi kinh nghiệm từ những người trong làng, vợ chồng Bamu cũng bắt đầu trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao như cây thuốc lá và cây ăn quả. Vào giai đoạn giáp hạt, Bamu và chồng sẽ đi làm thêm để kiếm tiền.
Trong năm 2020, thu nhập của gia đình Bamu là 100.000 nhân dân tệ (15.480 USD) và họ đã hoàn toàn thoát nghèo.
Đáng nói, người dân trong làng Taoyuan, nơi gia đình Bamu sinh sống, nay đã được cung cấp nước sinh hoạt, đường xá hiện đại, điện và hệ thống liên lạc truyền thông đầy đủ. Các con của cô Bamu được cắp sách tới trường như các bạn đồng lứa.
“Tôi hy vọng các con của mình sẽ được an toàn và khỏe mạnh, học tập chăm chỉ sau đó tìm một công việc để tự trang trải cuộc sống. Chúng tôi sẽ cùng nhau cố gắng dù có chuyện gì xảy ra”, cô Bamu nói.
Con cái theo họ mẹ thay cho họ cha đang dần được chấp nhận ở Trung Quốc
Việc đặt tên con theo họ mẹ đang dần được xã hội Trung Quốc chấp thuận nhất là sau khi chính phủ nước này cho phép người dân sinh 2 con.
Minh Thu (lược dịch)