Người dân ven biển khai thác cát sỏi mưu sinh nhờ những chiếc xe trâu
Con trâu là đầu cơ nghiệp không chỉ ở thời xưa. Ngày nay, xe cộ đã phát triển hiện đại, đa dạng hơn, song nhiều người dân ở vùng biển huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) vẫn dùng xe trâu làm phương tiện mưu sinh.
Clip: Xe trâu chở vật liệu xây dựng ở xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ở Việt Nam, xe trâu là công cụ phổ biến để chở hàng hóa của người nông dân từ nhiều đời nay. Tại một số vùng nông thôn ngày nay, xe trâu vẫn được dùng để chở lúa, thực phẩm, vật liệu xây dựng đến những nơi mà phương tiện hiện đại không đi vào được.
Ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hiện vẫn còn hàng chục người tiếp tục sử dụng xe trâu (2 bánh xe được cải tiến dùng sức trâu kéo) để vận chuyển vật liệu xây dựng như cát sỏi, gạch ngói, đá... vào các ngõ hẻm mà xe cơ giới cỡ lớn không thể đi vào. Xe trâu đặc biệt hữu dụng trong việc chở vật liệu đi qua khu vực cát trắng đưa vật liệu vào các khu nghĩa trang. Tuy nhiên, để con trâu kéo được cỗ xe cộng với vật liệu, người dân cũng khá vất vả trong việc lựa chọn, huấn luyện trâu trong một thời gian dài.
Con trâu kéo cỗ xe 2 bánh đi làm việc theo chủ ở xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang). |
"Trâu kéo xe phải là con trâu khỏe mạnh được lựa chọn kỹ và yêu cầu cao nên thường có giá bán rất cao so với các con trâu bán lấy giống hoặc lấy thịt", ông Nguyễn Văn Hòa (trú xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) chia sẻ.
“Trung bình mỗi con trâu có khả năng kéo được xe có giá giao động khoảng 30-40 triệu đồng và phải mất thêm khoảng 1 tháng huấn luyện. Trâu đã kéo được xe sẽ phải tăng thêm khẩu phần ăn bồi dưỡng như cháo, cỏ, bột...”, ông Đào Văn Phú, một người dân xã Vinh Thanh có 8 năm hành nghề xe trâu tiếp lời.
Xe trâu vẫn là công cụ hữu ích được hàng chục người dân xã Vinh Thanh sử dụng để mưu sinh. |
Cũng theo ông Phú, trước đây làm nghề xe trâu cũng thu nhập khá ổn, nhưng bây giờ đã có các phương tiện xe nhỏ hoạt động nhiều nên mỗi ngày chủ xe chở thuê chỉ kiếm được khoảng 200 nghìn đồng, cũng tạm đủ sống qua ngày. "Giờ tuổi già sức yếu không làm được các công việc khác nên nghề này cũng phù hợp với tôi. Gắn bó lâu ngày với nghề nên cũng thành quen, không muốn làm việc khác", ông Phú chia sẻ.
Theo một người dân có thâm niên mưu sinh bằng nghề xe trâu ở xã Vinh Thanh, mỗi ngày trâu chỉ kéo 2-4 chuyến đi lòng vòng trong xã, tùy vào khả năng của từng con và quãng đường đi để đảm bảo sức khỏe cho trâu.
Chiếc xe trâu đi qua vùng cát, địa hình xe ô tô rất khó để di chuyển. |
Ông Phan Đức Anh, Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh cho hay: "Trước đây người dân ở địa phương sử dụng phương tiện xe trâu để mưu sinh kiếm sống rất nhiều. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây thì còn rất ít, chỉ khoảng 20 chiếc xe thường xuyên chạy thuê, chủ yếu là chở thuê cát sỏi, xi măng... đi đến các nghĩa trang nằm ở các vùng cát để xây dựng mồ mả hoặc vào các ngõ hẹp mà xe to không vào được".
Không chỉ người dân xã Vinh Thanh (huyện Phú Vang) vẫn gắn bó với công việc huấn luyện, sử dụng xe trâu để mưu sinh mà nhiều ở các xã vùng biển khác như xã Vinh An (huyện Phú Vang), xã Vinh Mỹ (huyện Phú Lộc), người dân cũng dùng xe trâu làm phương tiện mưu sinh chính trong gia đình.
Người dân thường chọn trâu đực để kéo xe. |
Chiếc xe trâu có thể chở được khoảng 5 tấc cát. |
Xe trâu không chỉ di chuyển tốt trong khu vực cát mà còn thoải mái "vi vu" trên đường nhựa. |
Hà Oai