Người dân kêu cứu vì lộ vết nứt nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực
Việc cưỡng chế phá dỡ khi chưa có phương án cụ thể tại dự án 8B Lê Trực khiến người dân hoài nghi về sự thiếu minh bạch trong công tác thực hiện cưỡng chế theo Quyết định số 32/QĐ-UBND ngày 09/1/2016 của UBND TP. Hà Nội. Các hộ dân mua nhà tại đây đã nhiều lần khiếu nại, tìm đến cơ quan chức năng có thẩm quyền cầu cứu.
Các hộ dân 8B Lê Trực cầu cứu Bộ Xây dựng |
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, khách hàng mua căn hộ ở tầng 10 tòa nhà 8B Lê Trực cho biết, để có tiền mua nhà, vợ chồng bà phải bán hết đất đai, nhà cửa vốn có, thậm chí còn vay thêm cả người thân, vay cả ngân hàng để mong muốn có chỗ ở ổn định, bình yên.
“Tòa nhà là một kết cấu bê tông cốt thép được thiết kế xây dựng hoàn chỉnh, có ai đứng ra đảm bảo rằng, việc đập bỏ một phần thì phần còn lại sẽ không bị ảnh hưởng gì hay không?
Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải áp dụng hình thức xử lý sai phạm khác đối với chủ đầu tư chứ không thể phá dỡ tòa nhà như vậy được. Và theo chúng tôi được biết, đơn vị phá dỡ là công ty Hải Anh Phát nhưng đơn vị này lại không có đủ năng lực, chưa có giấy phép kinh doanh cũng như các phương án phá dỡ… ” bà Xuân nói.
Xuất hiện các vết nứt,dạn nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực |
Xuất hiện các vết nứt,dạn nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực |
Xuất hiện các vết nứt,dạn nghiêm trọng tại dự án 8B Lê Trực |
Đồng cảnh ngộ với bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, một khách hàng mua căn hộ 1805 cũng chia sẻ: "Tích cóp bao năm mới mua được cái nhà mà bây giờ cắt ngọn thì phải sống sao đây? Nhất là khi chưa có phương án phá dỡ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi có sự cố xảy ra? Hiện tại nhà của chúng tôi đã bị nứt nghiêm trọng. Chúng tôi chỉ là những người dân vô tội, có phạt, hãy phạt chủ đầu tư".
Thực tế tại nhiều hạng mục công trình của toà nhà 8B Lê Trực, hiện các vết nứt đã xuất hiện ngày một nhiều, đặc biệt tại tầng B1, B2 các vết nứt trần diễn ra phổ biến và có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng công trình còn lại.
Còn ông Nguyễn Sĩ Duyên, khách hàng mua căn hộ tại tầng 18 cũng kiến nghị : Chủ đầu tư sai phạm, xin hãy phạt chủ đầu tư.
Video người dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực cầu cứu |
Được biết, theo quyết định cưỡng chế số 32/QĐ-UBND ngày 09/1/2016 của UBND quận Ba Đình, việc thực hiện quyết định cưỡng chế phá dỡ phần công trình vi phạm TTXD phải tiến hành các quy trình như: UBND quận Ba Đình sẽ trực tiếp chỉ định đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp, được công bố thông tin về năng lực hoạt động xây dựng trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng để lập phương án, giải pháp phá dỡ công trình vi phạm; UBND quận Ba Đình thuê đơn vị tư vấn có đủ điều kiện năng lực phù hợp để thực hiện thẩm tra phương án, giải pháp phá dỡ; Sau khi phương án, giải pháp phá dỡ được thẩm tra, Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình xem xét, cho ý kiến về phương án, giải pháp phá dỡ trước khi trình UBND quận Ba Đình phê duyệt…
Quyết định cũng nêu rõ, phương án phá dỡ sẽ phải được công khai, tuy nhiên, đến nay hầu hết các hộ dân cho biết, họ chưa một lần nhìn thấy phương án phá dỡ.
Việc cho nhà thầu thi công phá dỡ ồ ạt, không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn đang gây ra nhiều vết nứt, gãy cho phần công trình còn lại và tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố công trình trong tương lai gần. Các chuyên gia cho biết, việc này cũng sẽ đe doạ thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng của người dân trong quá trình sử dụng, bởi trên thế giới chưa ở đâu từng có lịch sử cắt ngọn công trình.
Cảnh báo của các chuyên gia:
- TS Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Chỉ có riêng Việt Nam thường xuyên xảy ra việc để chủ công trình xây sai xong, lại phải cắt ngọn. Cho nên, cần phải tăng cường công tác quản lý, tốt nhất là ngăn chặn, không để xảy ra sai phạm, nếu không nhiều trường hợp rất khó giải quyết.
Ví dụ, với công trình số 8B Lê Trực (Hà Nội), nếu “cắt” hết phần sai phạm công trình sẽ tan tành. Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà. Việc phá dỡ tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Vì thế cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…
- PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng), công trình 8B Lê Trực có số tầng sai phạm lớn khi cắt ngọn, nếu cắt giật cấp thì phải cùng cân, có các trụ đỡ vì nếu không cẩn thận có thể gây lệch tâm tòa nhà.