Cứ sống thôi, từng ngày

Người đàn bà nghèo khổ nhọc nhằn nuôi con, trở nên cay nghiệt với… cái nghèo và… dâu nghèo.

Đêm đó, tôi đang lúi cúi dọn phòng trọ, lựa những vật dụng của chị cho vào hai chiếc thùng đợi thư thả chị đến lấy thì có tiếng gõ cửa: “Út ơi, mở cửa cho chị”. Thoáng giật mình, tôi nghĩ mình nghe nhầm nhưng giọng nói to hơn: “Chị đây, mở cửa nhanh”. 

Chị ào vào phòng, quăng mình lên giường nằm úp mặt xuống gối. Tôi ngỡ ngàng nhưng biết rõ tính chị, đành để mặc vì trước sau… cũng rõ. Thấy tôi vẫn lo dọn mớ đồ, chị ngẩng mặt: “Để đó đi, chị vẫn ở đây, không về bên đó nữa”.

Đó là đêm tân hôn của chị.

ẢNH: KHẮC HIẾU
(Ảnh: Khắc Hiếu)

1. Khi đến với chị, anh rể đã qua một đời vợ, con riêng sống với vợ cũ. Anh ở với mẹ trong căn hộ tái định cư và làm quản thư một trường đại học. Hồi chị khoe đã nhận lời cầu hôn của anh, tôi hoảng hồn, nghĩ anh không hề xứng với chị - cô gái xinh xắn, giỏi giang, nhỏ hơn anh chín tuổi và có nhiều người “ngon lành” hơn theo đuổi. Nhưng, tình yêu thường có lý lẽ riêng.

“Lần đầu hẹn hò, thấy ống quần ảnh bị xổ lai, ngồi cứ giấu giấu giếm giếm thương lắm. Đúng là đàn ông không vợ, ở với mẹ già”, “Bữa đó, có người chỉ điểm vợ ảnh vào nhà nghỉ cùng người khác, ảnh đến, gõ cửa phòng nói “Khi nào xong em về có việc gấp”, sau đó vợ về, ảnh đưa đơn ly hôn”, “Ngày nào đi làm, ảnh cũng đem theo cơm mẹ nấu, sau giờ làm liền về dẫn mẹ đi bộ để chân bà khỏe hơn”… Với những mô tả đó, chị quả quyết anh là người đàn ông tốt, điềm tĩnh, giản đơn, hiếu thuận và đàn bà thực ra chỉ cần vậy ở một người họ muốn gắn bó cả đời.

Đám cưới xong, vợ chồng chị tiễn “đàng gái” về quê rồi về lại căn hộ, lôi vàng và tiền mừng ra đếm. Mẹ chồng chị bất ngờ bước vào, nước mắt trào sẵn: “Mẹ có nợ 200 triệu đồng, giờ người ta dọa không trả sẽ gửi đơn lên trường thằng Khang tố cáo. Chỗ vàng và tiền này, xin các con cứu mẹ”.

Chị há hốc. Mặt anh rể tái mét. Anh nhìn vợ lắp bắp: “Anh không biết chuyện này”. Mẹ anh nói thêm: “Nếu hai con không cứu, chi bằng mẹ tự vẫn”.

“Mẹ đừng nói vậy, để con tính!” - anh rể nghẹn giọng. Chị sụp đổ, tức giận, bỏ lại tất cả về phòng trọ của tôi giữa đêm.

Ảnh  - Jcomp
(Ảnh - Jcomp)

2. Mờ sáng, anh rể đến quỳ dưới chân chị xin lỗi, thề thốt, hứa hẹn và mong vợ về nhà. Chị nhìn bộ dạng thiểu não của chồng, gương mặt hốc hác sau một đêm mất ngủ, ra điều kiện: “Anh khổ vì mẹ quá nhiều rồi. Chúng ta sẽ trọn đạo làm con nhưng không có nghĩa cứ chiều chuộng mẹ mãi. Em sẽ không nhượng bộ và chỉ giúp mẹ một lần này nữa thôi”. Chị quyết vậy vì tính từ lúc anh rể quen chị, đó là lần thứ hai mẹ anh gây nợ lớn. 

Trước đây, mẹ anh rể làm phụ bếp một trường tiểu học. Bị cho nghỉ hưu sớm, bà mở cơ sở chuyên cho thuê lều bạt, trang thiết bị cắm trại, sinh hoạt ngoại khóa cho các trường học. Ban đầu, cơ sở làm ăn thuận lợi. Về sau, bà muốn mở rộng nên mua sắm nhiều trang thiết bị, phục vụ cả những người muốn cắm trại trong rừng, leo núi… nhưng không ai hỏi thuê. Vốn liếng bay dần, bà mượn chỗ này đắp chỗ kia rồi thua lỗ nặng.

Ngay từ đầu, chị biết mẹ chồng không ưa mình bởi trong mắt bà, không có ai qua Liên - người con dâu cũ giàu có và sành điệu, hay mua tặng bà những món quà xa xỉ. Mặc dâu mới sống chung nhà, bà vẫn rộng cửa đón dâu cũ về hàn huyên tâm sự. Nhiều lần, bà cố tình nhầm, gọi chị tôi là Liên nhưng chị luôn nín nhịn.

Một lần nhà có khách đến chơi, bà lại gọi “Liên ơi”. Khách trố mắt nhìn, bà vờ vịt phân bua: “Trời, chắc tôi nhớ con Liên quá đây mà”.

Khách về, chị đứng trước mặt bà nghiêm giọng: “Mẹ nhìn kỹ nhé, con là Thu, không phải Liên. Từ nay nếu mẹ gọi là Liên, con sẽ không đáp”.

3. Chị kể, có lần bà nghe chị than mỏi người, anh rể vội pha nước ấm cho vợ ngâm chân, xoa lưng giúp vợ; từ đó, một tháng hết… 20 đêm bà nhờ anh sang phòng đấm bóp để dễ ngủ. Nửa đêm bà trở mình, tiếp tục nhờ con xoa bóp khiến anh rể đành trải chiếu dưới nền, ngủ luôn bên phòng mẹ. 

Chín tháng chị mang bầu, bà không một lời hỏi han, chỉ siêng gọi con dâu cũ đến cùng nhau đi chợ, nấu ăn. Anh rể đi làm về, thấy vợ nghén, buồn tủi nằm lì trong phòng nên đưa vợ ra ngoài đi dạo.

Những lúc đó, bà bâng quơ: “Có ai bầu mà không nghén đâu con. Xưa mẹ bầu con, thèm đi mà có ai đưa đi đâu, rồi con Liên hồi đó cũng bầu, chân phù, không ăn uống được con nhớ không”.

Anh rể chỉ mỉm cười. Mấy lần anh ý tứ nhắc khéo Liên hạn chế đến nhà nhưng chị ta cười mỉa: “Nói mẹ anh đó! Nói bà đừng thương nhớ hai mẹ con tôi nữa. Mà vợ chồng anh sống sao cứ để bà thấy cô độc”.

Khoảng cách giữa chị và mẹ chồng càng lớn. Ngày chị sinh con, bà viện cớ thằng cháu (con của anh rể và vợ cũ) đổ bệnh, phải qua nhà dâu cũ ở mấy bữa phụ chăm. 

Nhiều lần, chị cũng cố đến gần mẹ chồng nhưng đều thất bại. Chị nấu nhiều món ngon và mua sữa ngoại, thuốc thang cho bà tẩm bổ. Bà không đụng đũa những món chị nấu, thường đáp “mẹ ăn đồ con Liên đem tới”, còn quà cáp của chị, bà lén đem ra tiệm tạp hóa bán lại.

Chị mặc kệ, vẫn từng ngày cơm bưng nước rót, gửi tiền tiêu vặt, vài tháng may một bộ đồ và thuốc thang đều đặn cho bà.

Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto
(Ảnh mang tính minh họa - Pressfoto)

4. Hai năm trước, một nhóm người tụ dưới sân chung cư, đòi gặp mẹ chồng chị, yêu cầu trả khoản nợ gần 1 tỷ đồng. Từ chỗ làm, chị lật đật lao về. Nhìn mẹ chồng ngồi thu lu một góc, trùm mền run rẩy “cứu mẹ với” trong khi chồng ngồi bên ôm đầu đau khổ, chị bình tĩnh: “Chuyện là sao hả mẹ?”.

“Con Liên rủ mẹ làm ăn, giờ nó ôm tiền trốn rồi, người ta tìm không có nó nên qua đây tìm mẹ” - bà đáp. 

Bài toán được giải quyết bằng cách bà sang tên căn hộ được định giá hơn 1,6 tỷ đồng cho các con, để anh chị đứng đơn thế chấp, vay ngân hàng trả nợ cho người ta. Đổi lại, bà bắt chị viết cam kết đây vẫn là tài sản của mẹ. Chị chảy nước mắt trong lúc viết cam kết. 

Hai năm, món nợ vơi dần nhưng tình cảm giữa chị và mẹ chồng vẫn không mấy tiến triển, không lạnh, không ấm, bàng bạc một khoảng trống vô hình. Chị trọn vẹn phận mình, làm tất cả những gì có thể trong đối đãi với mẹ chồng. Có buồn phiền khi mẹ chồng liên hồi than vãn “cuối đời tay trắng, tài sản vô tay người khác”, chị cũng nín lặng. 

5. Mẹ chồng chị vừa qua đời do tai biến. Trước đó, một tuần nằm điều trị, bà không nói được nhưng đôi mắt vẫn thường nhìn chị một cách dịu dàng. Đúng hôm mất, bà khó nhọc tháo đôi bông tai bằng đá đưa chị, tay chỉ chỉ lên tai chị như muốn chị đeo vào. Đám tang, ngoài hàng xóm và bạn bè anh chị, không thấy người thân quen nào của bà đến dự.

Tôi nhiều lần hỏi chị sao không ly hôn để khỏi phải chịu đựng bà mẹ chồng “khó ở”. Chị cười, năm đó, sau đám cưới, sau mỗi bữa cơm chiều, anh rể nói rằng đi dạy thêm. Vậy nhưng một hôm, chị có hẹn bạn đến quán cà phê trò chuyện. Từ xa, nhìn thấy chồng lăng xăng bưng nước phục vụ khách, chị đứng như trời trồng, nước mắt tuôn trào.

Chị lặng lẽ tìm hiểu, biết anh tranh thủ hai tiếng nghỉ trưa và ba tiếng buổi tối, dẹp hết sĩ diện để đi làm nhân viên phục vụ. Hai năm sau, anh mang về trả chị món nợ 200 triệu đồng - số vàng và tiền cưới đã đưa mẹ trước đó.

Suốt hai năm, ngày rảnh, anh về huyện, sang tỉnh bạn làm quen với các trường, giới thiệu từng món trang thiết bị ngoại khóa để có thêm thu nhập, phụ vợ trả nợ.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
(Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory)

Chị nói mình… ít yêu chồng vì trái tim đã đầy ắp một tình thương cho anh. Chị thương anh - một người con hiếu thảo, chưa từng trách mẹ bao phen gây cho mình phiền phức, chỉ biết nỗ lực khắc phục. Và, chị thương mẹ chồng. Năm đó, ở tuổi 40, bà vướng vào một mối tình ngang trái, bị người ta bỏ rơi khi biết bà mang thai. Người đàn bà nghèo khổ nhọc nhằn nuôi con, trở nên cay nghiệt với… cái nghèo và… dâu nghèo. 

Nghĩ cho người để hiểu, thương, lấy đó làm lẽ sống của mình, rồi cứ thế sống thôi, từng ngày.

Theo phunuonline.com.vn

Dành cả đời chăm lo cho con riêng của chồng, mẹ kế trắng tay khi về già

Lo xong tang lễ của bố, anh trai tôi đề nghị mẹ kế ký cam kết từ chối nhận tài sản. Yêu cầu của anh khiến mẹ kế tủi thân.

Mẹ chồng đi 1.200km về nhà thông gia đón cháu, con dâu bật khóc vì cảm động

Khoảnh khắc biết mẹ chồng đi 1.200km về đón cháu, Mơ (tên ở nhà là Nguyên) rưng rưng xúc động. Cô vừa thương mẹ chồng vất vả vừa cảm động trước tấm lòng yêu con thương cháu của bà.

Em bán mảnh đất vườn, anh trai chở mẹ đến đòi 200 triệu dưỡng già

Dù có công khai hoang nhưng tôi chỉ được thừa kế một mảnh vườn ở xa, còn phần lớn đất đai giá trị cha mẹ đều sang tên cho anh trai.

Bạn gái kém 14 tuổi của anh trai khiến tôi và mẹ ngán ngẩm

Cuối tuần trước, anh trai tôi dẫn người yêu về ra mắt gia đình. Cả nhà tôi rất mong chờ điều này do anh đã lớn tuổi. Tuy nhiên, cách cư xử của cô ấy khiến gia đình tôi rất thất vọng.

Chồng tự dưng hết mực chăm sóc mẹ vợ, biết lý do tôi lập tức đưa bà về quê

Người ta nói “Không ai tốt với người khác mà không có lý do, ngoại trừ cha mẹ của họ” thật chẳng sai chút nào và câu chuyện của tôi là một minh chứng.

Mở phong bì thưởng Tết của chồng, vợ sững sờ thấy dòng chữ phía trên

Nhiều năm nay, tôi vốn không mấy khi hỏi cụ thể chuyện thưởng Tết của chồng, vì anh “dị ứng” chuyện vợ tra khảo tiền bạc. Nhưng có lẽ vì sự dễ dãi này, chồng coi tôi như người ngoài.

Xin về ăn Tết nhà ngoại, nàng dâu bật khóc nghe bố chồng nói 6 câu

Hơn 10 năm lấy chồng, chưa năm nào tôi được về đón giao thừa cùng bố mẹ đẻ. Thấy bạn bè năm ăn Tết nhà nội, năm ăn Tết nhà ngoại mà tôi lại chạnh lòng.

Chồng ngoại tình, bỏ đi theo bồ, sau 2 năm bỗng trở về cầu xin tôi tha thứ

Tại sao khi tôi đã dần nguôi ngoai, ổn định cuộc sống thì người chồng ngoại tình lại quay trở về? Đau lòng nhất là tại sao bố mẹ chồng và các con tôi lại ủng hộ anh ta?

Vợ chồng ở Thái Bình tuyên bố vỡ hụi, hàng chục người mang quan tài đi tìm

Trước thông tin chủ hụi vỡ nợ, nhiều người xã Nam Trung (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) kéo đến gây áp lực để đòi tiền. Có trường hợp cho biết đã góp hụi gần 10 tỷ đồng.

6 chị em ruột không lấy chồng, sống cùng nhau dưới một mái nhà

Thanh xuân trôi theo những tháng năm nghèo khó, 6 chị em không dám lấy chồng. Không con cái, tuổi già đuổi đến, 6 mảnh đời côi cút sống dựa vào nhau.

Đang cập nhật dữ liệu !