Người đã mắc Covid-19 có cần tiêm vắc xin?
Người đã mắc Covid-19 sẽ hoãn tiêm chủng vắc xin bởi vì cơ thể đã sinh ra được miễn dịch chống lại virus.
Miễn dịch sau khi mắc bệnh
Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế vừa ban hành, sửa đổi, bổi sung về sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Trong hướng dẫn cũng nêu rõ người thuộc nhóm trì hoãn tiêm chủng gồm: Người mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; người đã tiêm vắc xin Covid-19 khác trong vòng 14 ngày qua.
Theo hướng dẫn mới này, những người bị tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên (nêu rõ tác nhân dị ứng) thuộc diện chống chỉ định tiêm chủng vắc xin.
Theo TS Phạm Hùng Vân – Đại học Y dược TP.HCM, với người đã mắc Covid-19 tự nhiên thì cơ thể cũng tự tạo được miễn dịch bảo vệ, người ta hay gọi là miễn dịch tự nhiên. Còn người đã tiêm vắc xin Covid-19 sẽ có được miễn dịch bảo vệ trước virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, miễn dịch bảo vệ này còn tùy thuộc vào tuổi và mức độ nặng nhẹ của triệu chứng.
90 – 99% người đã mắc Covid-19 sẽ hình thành được miễn dịch bảo vệ trong khoảng 4 tuần. Sau đó, miễn dịch có thể duy trì được trong 6-8 tháng. Để một người có được miễn dịch bảo vệ phụ thuộc vào các tế bào nhớ của người đó tồn tại lâu như thế nào.
Ảnh minh họa. |
Người đã mắc Covid-19 có thể miễn dịch luôn với những biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Bởi vì, sau khi nhiễm bệnh, không chỉ đối với protein gai mà cả đối với các thành phần khác của virus như các protein N và các protein này cũng có thể kích hoạt miễn dịch bảo vệ và ít bị biến đổi hơn các protein S trong các biến thể mới của virus.
Chính vì vậy, đối với người đã mắc Covid-19, TS Hùng cho biết, có thể cho họ thực hiện test kháng thể. Test kháng thể để đánh giá có kháng thể hay không rồi mới tiêm vắc xin.
Hoặc thực hiện như các nước khác đang làm đó là người đã mắc Covid-19 tiêm 1 mũi vắc xin, tương tự như tiêm nhắc lại để củng cố thêm miễn dịch.
Miễn dịch tiêm vắc xin được bao lâu?
TS Vân cho biết sau tiêm vắc xin chưa thể phòng bệnh luôn, cần thời gian để sinh kháng thể. Ví dụ đối với vắc xin chỉ cần một mũi tiêm như vắc xin của Johnson và Johnson (J&J) cần hai tuần sau khi tiêm sẽ có đủ kháng thể bảo vệ.
Đối với các vắc xin mRNA (Pfizer hay Moderna), các nghiên cứu cho thấy hai tuần sau mũi tiêm thứ hai, cơ thể sẽ có đủ kháng thể bảo vệ.
Với vắc xin của AstraZeneca thì 3 tuần sau mũi tiêm thứ nhất là cơ thể có kháng thể bảo vệ và hai tuần sau mũi tiêm thứ hai cách mũi tiêm đầu - 2 đến 3 tháng mới đủ kháng thể bảo vệ.
Kháng thể này sẽ tồn tại bao lâu?, TS Vân cho biết đến nay người ta cũng chưa thể có dữ liệu chính xác là vắc xin tạo ra kháng thể bảo vệ duy trì đến bao lâu.
Tuy nhiên, sau khi tiêm vắc xin cho dù kháng thể bảo vệ có xuống thấp đi nữa thì vẫn còn sẵn tế bào nhớ để thiết lập lại bảo vệ ngay sau khi tác nhân virus xâm nhập vào cơ thể.
TS BS. Nguyễn Huy Luân - Trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng thử nghiệm của hãng Pfizer cho thấy, nếu tiêm đủ hai liều vắc xin phòng SARS-CoV-2 thì hiệu quả bảo vệ có tác dụng ít nhất 6 tháng và có thể lâu hơn.
Đối với vắc xin Moderna, dữ liệu ban đầu cho thấy hiệu quả bảo vệ cơ thể có thể đạt trong ít nhất 6 tháng, hiệu quả trong thời gian lâu hơn nữa vẫn chưa được xác định. Mặc dù vào tháng 1/2021, Moderna tuyên bố vắc xin của họ tác dụng có thể kéo dài trong một năm.
Sự xuất hiện và lây lan nhanh chóng của các biến thể SARS-CoV-2 như hiện nay, cùng các loại đột biến khác có nguy cơ xuất hiện trong tương lai gần, thì sẽ phải tiêm phòng nhắc lại hằng năm như vắc xin cúm mùa, và điều này vẫn cần theo dõi thêm.
Khánh Chi