Người cựu chiến binh vận động xây bia tưởng niệm để thờ cúng đồng đội
Vì nước quên mình
Đại tá - thầy thuốc ưu tú, thương binh 4/4 Đặng Sơn Vinh (76 tuổi, ngụ tại phường Dĩ An, TX.Dĩ An), sinh trưởng trong gia đình có truyền thống cách mạng nòi. Ba hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, 2 người chú khác cũng đã để lại máu xương trên chiến trường, mẹ của chú cũng đã xả thân vì nước.
Lớn lên khi đất nước chia cắt 2 miền Nam - Bắc, nhìn giặc đàn áp những người dân vô tội, lòng căm thù giặc trong chú càng dâng cao, ông đã lựa chọn theo con đường chính nghĩa để giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.
Khi còn là cậu thiếu niên chú đã tham gia làm liên lạc, đến 20 tuổi chú Vinh theo cha thoát ly vô chiến khu.
Đại tá - thầy thuốc ưu tú, thương binh 4/4 Đặng Sơn Vinh(thứ 2 từ phải sang) tại Nhà tưởng niệm liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, ở miền Đông Nam bộ ( ảnh Báo Bình Dương) |
Lật lại những kỷ niệm xưa, ông kể: “Gia nhập đoàn quân giải phóng chiến đấu một thời gian, sau đó chú được cấp trên đưa đi học cứu thương, tiếp sau đó là học quân y sĩ về phục vụ ở chiến trường Chiến khu Đ và các tỉnh Đông Nam bộ. Ngày đó, đội quân y không chỉ đơn thuần cứu chữa cho thương binh, mà khi có giặc cũng cầm súng chiến đấu. Trong ký ức chú vẫn còn nhớ những trận đối đầu với giặc, những lần phục vụ cứu thương, tải đạn, tải gạo để cấp phát cho các lực lượng vũ trang.
Tham gia nhiều trận đánh, nhưng ông nhớ nhất là những năm 1968, 1969 cuộc chiến vô cùng ác liệt. Khi đó chú phục vụ cho khoa ngoại đội điều trị. Lúc ấy địch khống chế nên quân ta gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm.
Ông kể: Lúc đó các chú, sau khi mổ xẻ cứu chữa thương binh xong phải đi đào củ mài, củ chụp nuôi thương binh, vừa tự chiến đấu để bảo vệ mình”.
Khi chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, ông đang đi học bác sĩ thì nhận lệnh của cấp trên trở về phục vụ cho chiến dịch. Lúc ấy ông là phó đoàn, đưa 20 quân y sĩ, 10 dược sĩ là những sinh viên sắp ra trường phục vụ cho lực lượng của miền.
Đất nước thống nhất, Đại tá - thầy thuốc ưu tú, thương binh 4/4 Đặng Sơn Vinh tiếp tục đi học để hoàn thành chương trình bác sĩ, sau đó về công tác tại quân y Quân khu 7. Không lâu sau đó, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, chú lại mang ba lô lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Nặng nghĩa tình với đồng đội
Cả một đời cống hiến cho Tổ quốc, năm 2000 ông về hưu, cũng trong thời gian này Ban liên lạc truyền thống quân y miền Đông Nam bộ được thành lập. Ông được đề cử làm phó ban liên khu quản lý 34 bệnh viện hậu cần miền và 13 đội điều trị.
Ông nhớ lại, thời chiến tranh quân khu quản lý 34 bệnh viện hậu cần miền và 13 đội điều trị. Chiến tranh qua đi, vẫn còn 9.000 đồng đội chưa tìm được hài cốt. Đó là nỗi ray rứt của những cựu chiến binh như ông. Không muốn đồng đội nằm lạnh lẽo ở đâu đó, nhiều lần các chú đi tìm kiếm hài cốt các anh, các chú nhưng vẫn không có kết quả.
“Không tìm được hài cốt đồng đội, các chú tính đến chuyện xây dựng nhà tưởng niệm thờ cúng cho 9.000 liệt sĩ quân dân y và thương bệnh binh hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, ở miền Đông Nam bộ” – ông Vinh tâm sự.
Bằng tinh thần trách nhiệm cao, ông Vinh đã đi vận động 6 tỉnh, thành miền Đông, riêng bản thân Đại tá - thầy thuốc ưu tú, thương binh 4/4 Đặng Sơn Vinh đã đóng góp 2 tháng lương hưu.
Sau gần 3 năm vận động xây dựng, tháng 4-2012, Nhà tưởng niệm Quân y miền B2 hoàn thành, có tổng diện tích 800m2, trong nhà tưởng niệm khắc tên họ 3.000 liệt sĩ đã sưu tìm được tên họ, quê quán, đơn vị vào 32 bảng đá hoa cương.
Các thành viên Ban liên lạc chụp ảnh lưu niệm tại Nhà tưởng niệm |
Đây là công trình nhà bia tưởng niệm cho 9.000 liệt sỹ quân dân y và thương bệnh binh Miền Đông Nam bộ được xây dựng là một nghĩa cử cao đẹp, nhằm tri ân những đồng đội đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước chưa được tìm thấy hài cốt.
“Là những người trong cuộc, chứng kiến hy sinh anh dũng của đồng đội và nỗi đau của thân nhân các anh hùng liệt sĩ lặn lội từ mọi miền Tổ quốc đến tìm kiếm hài cốt người thân. Việc xây dựng nhà tưởng niệm tại cụm di tích lịch sử Cục Hậu cần Miền ở xã Lộc Hiệp nhằm xoa dịu 1 phần đau thương mất mát của người thân khi chưa tìm được mộ chí. Nhà tưởng niệm hoàn thành chú mới ăn ngon, ngủ yên, bởi từ nay các đồng đội đã có nơi để hương khói mỗi khi lễ, tết đến” – ông Vinh chia sẻ.
Nhiều năm qua, Đại tá - thầy thuốc ưu tú, thương binh 4/4 Đặng Sơn Vinh cùng với các cô chú trong Ban liên lạc thực hiện nhiều chuyến khám bệnh từ thiện cho hàng ngàn bà con nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn Quân khu 7 và Quân khu 9.
Đặc biệt, mỗi năm chú góp vào quỹ khuyến học 2 suất học bổng để giúp đỡ học sinh nghèo. Có năm chú còn tài trợ cho Hội Cựu chiến binh phường tổ chức cho các cựu chiến binh về nguồn.