Người biến rơm rạ bỏ đi thành tiền
Trò chuyện với phóng viên bên hành lang Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra đầu tháng 12/2015 tại Hà Nội, ông Phan Tấn Bện - Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí nông nghiệp Phan Tấn (tọa lạc ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười) cho biết, năm 1985, ông tốt nghiệp ngành cơ khí nông nghiệp và về làm việc cho Nhà máy cơ khí của tỉnh Đồng Tháp.
Khoảng 5 năm sau, ông về huyện Tháp Mười khởi nghiệp bằng tiệm cơ khí nhỏ. Không lâu sau, được sự “trợ lực” của gia đình về vốn, ông bắt tay mở rộng cơ sở sản xuất.
Thời gian đó, thấy thị trường máy gặt đập lúa liên hợp trong nước bảo hòa, nên ông bắt đầu tìm hiểu và nghiên cứu máy thu hoạch bắp - lúa “2 trong 1”. Sau nhiều tháng miệt mài nghiên cứu chế tạo, mẫu máy đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giải quyết thu hoạch bắp - lúa đạt được nhiều tính năng ưu việt.
Ông Phan Tấn Bện, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX. |
Năm 2011, ông Bện xây dựng trụ sở mới ở xã Mỹ Đông, để mở rộng cơ sở sản xuất tăng gấp nhiều lần so với thời kỳ trước. Đây là “thời điểm vàng son” Công ty của ông Bện thiết kế và đầu tư trang thiết bị sản xuất hiện đại một cách bài bản hơn, nhằm tăng khả năng cạnh tranh với thị trường.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng rơm sau thu hoạch lúa ngày càng cao, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người dân Đồng bằng Sông Cửu Long thường đốt bỏ rơm rạ trên cánh đồng gây ô nhiễm môi trường và lãng phí. Vì thế, ông đã nảy ra ý nghĩ phải chế tạo được máy cuộn rơm để giúp người nông dân tận dụng được những phụ phẩm đó. Tuy nhiên, xét thấy máy thu hoạch rơm này còn nhiều hạn chế, chỉ cuốn được rơm khô, nên ông tiếp tục tìm hiểu và có ý tưởng sản xuất máy cuốn rơm tự hành tự đổ nhằm khắc phục những hạn chế của các dòng máy hiện có.
Đầu năm 2015, ông bắt đầu nghiên cứu chế tạo máy. Đến tháng 6/2015, mẫu máy cuốn rơm tự hành tự đổ PT-CT57 ra đời, mẫu máy hoàn thiện với nhiều ưu điểm vượt trội so với các dòng máy đang có. Đầu tháng 10/2015, ông mang máy cuốn rơm PT-CT57 tham gia giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại hội chợ ở Hà Nội; tổ chức hội thảo, trình diễn máy cuốn rơm PT-CT57 trong và ngoài tỉnh, được đông đảo nông dân quan tâm và đánh giá cao.
Theo nhà sáng chế nông dân này, xác định máy cuốn rơm PT-CR57 là sản phẩm chủ lực, nên ông mạnh dạn cho đầu tư thêm máy móc thiết bị, tuyển thêm công nhân có tay nghề và bắt đầu sản xuất đồng loạt với định hướng phát triển máy cuốn rơm PT-CT57 không chỉ cung cấp cho thị trường các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn cung cấp cho thị trường cả nước và đang có kế hoạch xúc tiến trình diễn ở nước Campuchia.
“Chiếc máy cuốn rơm PT-CT57 hiện nay bán ra thị trường khoảng 286 triệu đồng/máy. Công ty đang chuẩn bị xuất cho thị trường Campuchia lô hàng máy cuốn rơm PT-CT57 trong vài ngày tới”, ông Bện phấn khởi cho biết.
Theo trí nhớ của nhà sáng chế nông dân này, hơn 15 sáng chế ông đã sáng tạo ra hơn 2.000 sản phẩm máy móc nông nghiệp mang nhãn hiệu Phan Tấn đã xuất xưởng, phục vụ nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) và nhiều thị trường khác.
Ông Bện chia sẻ: “Khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ công việc nào cần phải có sự đam mê, cộng với kinh nghiệm và không ngừng sáng tạo thì mới thành công. Để chế tạo thành công máy cuốn rơm PT-CR57, tôi phải dùng hơn 25 năm kinh nghiệm trong ngành cơ khí”.
Từ ý nghĩ đó, ông Bện nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại máy nông nghiệp mang thương hiệu “made in Phan Tấn” như: máy thu hoạch bắp - lúa “2 trong 1”, quạt sấy nông sản, xe chở lúa PT-CL3.5, máy cuốn rơm PT-CR57. Đến nay, Công ty TNHH MTV Phan Tấn xuất bán ra thị trường hàng ngàn máy nông nghiệp các loại.
Với những thành công trên, ông Bện nhận được nhiều danh hiệu cao quý như: “Sao vàng Tam Nông”, “Doanh nhân tiêu biểu”, được chọn đi dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra đầu tháng 12/2015 tại Thủ đô Hà Nội, được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Đồng Tháp và đạt nhiều giải thưởng tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Tháp.