Người ăn xin "tràn" ra ngã tư ở Hà Nội, nguy cơ mất an toàn giao thông
Tình trạng người ăn xin “tràn” ra nhiều ngã tư Hà Nội không chỉ gây rủi ro về an toàn giao thông mà còn khiến bộ mặt Thủ đô trở nên nhếch nhác.
Người nghèo ăn xin là đối tượng yếu thế trong xã hội, cần được quan tâm giúp đỡ. Song sự xuất hiện tràn lan người ăn xin đổ về các ngã tư ở Hà Nội đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong ảnh: Người ăn xin bên đường Phạm Hùng chờ đèn đỏ để đứng dậy xin tiền.
Đôi chân tật nguyền di chuyển khó khăn nhưng người đàn trong ảnh vẫn cố len vào dòng người đông đúc. Tại nhiều ngã tư, người ăn xin với đủ hoàn cảnh xuất hiện ngày càng nhiều từ sáng sớm cho tới đêm. Trong đó phải kể đến ngã tư Sở, ngã tư Kim Mã – Liễu Giai, đường Phạm Hùng, ngã tư Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương, ngã tư đoạn cuối đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và vành đai 3 trên cao,... ngả đường nào cũng có người ăn xin.
Người ăn xin tại ngã tư Khuất Duy Tiến – Tố Hữu – nơi có mật độ giao thông đông đúc và thời gian chờ đèn đỏ lâu để thuận lợi cho việc xin tiền.
Tại ngã tư Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương, người ăn xin khuyết tật và trẻ em núp bóng bán hàng rong. Họ không chìa tay xin tiền mà thường bán vé số, bán tăm bông, kẹp tóc… gây mất an toàn cho người tham gia giao thông.
Người ăn xin ngồi tại ngã tư Chùa Bộc – Thái Hà – Tây Sơn từ 7h sáng.
Không ít người xông ra đường, chặn đầu xe, gõ cửa ô tô đang dừng để xin tiền. Thực tế đã xảy ra nhiều vụ va quẹt do người ăn xin chặn đầu xe.
Trẻ em lang thang ăn xin trên đường Nguyễn Trãi.
Tại đoạn đường Tố Hữu, những hòm từ thiện được đặt bên đường.
Tại một số ngả đường, người ăn xin ngang nhiên đặt “hòm từ thiện” xin tiền đóng góp, nhưng khi được hỏi về số tiền từ thiện này do tổ chức nào quản lý thì người đang giữ hòm này lại không trả lời được.
Chị Thùy Linh (trú tại Nguyễn Trãi, Hà Nội) bất bình với tình trạng nhiều người ăn xin chặn đường khi di chuyển trên đường phố: “Có một thời gian công an làm quyết liệt thì không thấy nhiều người ăn xin, nhưng gần đây thì tôi gặp nhiều, cảm thông với họ nhưng nhiều khi họ cứ chắn đường, tôi cũng rất bực bội”.
Liên hệ với tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nhân viên tư vấn cho biết hàng ngày tổng đài nhận được rất nhiều cuộc gọi của người dân phản ánh về thực trạng người ăn xin. Tuy nhiên, tình trạng người ăn xin tại các ngã tư ở Hà Nội vẫn chưa được giải quyết hiệu quả.
Theo vov.vn