'Ngựa xe' chất đống cho dây leo, ngôi làng phục vụ 'tháng cô hồn' đìu hiu
Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Rằm tháng Bảy nhưng những ngày này, có mặt tại làng Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín), nơi được coi là "thủ phủ" sản xuất vàng mã ở Hà Nội, không khí lại im ắng đến lạ thường...
Làng Phúc Am ( xã Duyên Thái,Thường Tín, Hà Nội) được coi là một trong những 'thủ phủ' sản xuất vàng mã lớn ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
Những năm trước, trước thời điểm Rằm tháng Bảy Âm lịch khoảng 1-2 tháng thì cả làng Phúc Am ngày đêm đều tấp nập, hối hả và nhộn nhịp người ra, kẻ vào bởi lúc này đang vào mùa sản xuất các sản phẩm vàng mã như hình nộm ngựa, xe, voi, thuyền, nhà cửa... phục vụ đa dạng nhu cầu của khách hàng và người dân.
Thế nhưng năm nay, dù thời điểm này chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là đến Rằm tháng Bảy, nhưng không khí ở làng Phúc Am lại im ắng đến lạ thường.
Ngay trước cổng làng Phúc Am là chốt kiểm dịch Covid-19 "vùng Xanh". |
Khác với các "thủ phủ" vàng mã nổi tiếng khác như làng Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) chuyên sản xuất quần áo và đồ trang sức; làng Văn Hội (Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) chuyên sản xuất tiền vàng, còn làng Phúc Am lại chuyên sản xuất hình nộm thú (ngựa, voi…), thuyền rồng và nhà sơn trang.
Bà Phạm Thị Hòa, sản xuất vàng mã lâu năm tại làng Phúc Am cho biết: ”Năm nay dịch bệnh không làm được hình nộm như ngựa, voi nên gia đình tôi chuyển sang làm vàng mã bán trong làng để kiếm thêm thu nhập. Gia đình 10 người chỉ trông chờ vào nghề làm vàng mã này nhưng từ đầu năm đến nay, các hoạt động lễ hội, cúng bái... ở nhiều nơi đều dừng nên vàng mã không lưu thông được.
Cả nhà chúng tôi mấy tháng nay không có việc làm. Nếu dịch bệnh cứ kéo dài như thế này nữa thì chắc gia đình tôi không trụ được".
Từ 1 xưởng lớn làm vàng mã cung cấp đi khắp nơi, thế nhưng nhiều gia đình đã phải chuyển sang làm nhỏ lẻ chỉ để bán trong làng, kiếm ít tiền thu nhập. |
Nói về thời điểm những năm chưa có dịch, bà Hòa cho biết, vào những dịp như rằm tháng Bảy, trước đó cả tháng cả làng ai ai cũng tất bật làm hàng để kịp giao cho khách. Có những năm bà Hòa phải thuê hàng chục lao động mới kịp làm hàng.
“Năm ngoái gia đình tôi còn túc tắc bán được một số sản phẩm. Tuy nhiên, rằm tháng Bảy năm nay vào đúng thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, các cửa hàng, quán xá đóng cửa hết, nên năm nay chúng tôi gần như nghỉ, không sản xuất”, bà Hòa cho hay.
Vừa túc tắc đan một số hình nộm, ông Trần Văn Tuấn vừa kể, gia đình ông đã gắn bó với nghề này được hơn chục năm, chưa năm nào vào rằm tháng Bảy mà làng lại vắng lặng không người mua bán như năm nay.
"Không có việc gì làm cũng cuồng chân nên hàng ngày tôi vẫn ngồi đan lát cho đỡ buồn tay, nếu ngồi không chắc tôi sẽ ốm mất. Vì dịch bệnh như thế này nên năm nay tất cả các mặt hàng đều không bán được, chúng tôi cũng đành chịu thôi”, ông Tuấn buồn bã nói.
Hàng ngày ông Trần Văn Tuấn vẫn ngồi đan lát một vài chiếc hình nộm cho đỡ buồn. |
Được biết, cả làng Phúc Am hiện có khoảng 180 hộ dân sống dựa vào nghề làm hàng mã. Trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã lớn, còn hơn 170 hộ dân chủ yếu đi làm thuê. Do đó, nghề làm hàng mã là nguồn thu nhập chủ lực của người dân nơi đây.
Đường làng Phúc Am những ngày này vắng lặng, không còn cảnh buôn bán nhộn nhịp như những năm trước. |
Những "chú ngựa" hình nộm dựng đầy ngoài đường, lâu quá trở thành hàng rào cho cây leo bám vươn |
Chỗ khác thì ngựa đổ ngả nghiêng, nằm ngổn ngang gặp mưa gió trở nên rêu mốc. |
Người dân nơi đây cho biết, chưa năm nào rằm tháng Bảy lại vắng như năm nay. |
Một số hộ gia đình vẫn sản xuất cầm chừng, hy vọng hết giãn cách xã hội có thể bán được hàng. |
Những năm trước, những chú ngựa này đã được tô điểm rực rỡ để giao cho khách, nhưng năm nay, hàng loạt ngựa vẫn được treo lủng lẳng trước nhà, không có tiếng xe rậm rịch chở hàng, cũng không có tiếng người í ới chốt đơn... các cơ sở sản xuất hàng mã đều vắng lặng và im ắng. |
Vật liệu bằng tre nứa bị bỏ vương vãi nhiều nơi |
Những năm trước, nhiều xưởng sản xuất hàng mã bán được hàng nghìn đơn, thế nhưng năm nay, hàng hóa vẫn chất đầy trên kho. |
Nhà nào còn chỗ trống thì chất lên gác xép. |
Bảo Khánh
Tiểu thương phố cổ Hà Nội cầm cự cửa hàng, lo phá sản
Với nguồn doanh thu chủ yếu đến từ hoạt động chi tiêu của khách du lịch, các hộ kinh doanh đồ lưu niệm trên phố cổ Hà Nội đang tìm cách cầm cự, canh cánh trong lòng nỗi lo phá sản.