Ngư dân Hà Tĩnh: Cùng nhau cứu nạn trên biển
Nghiệp đoang nghề cá xã Thạch Kim (Lộc Hà) tạo điều kiện cho các ngư dân khi ra khơi |
Chính sự tương trợ lẫn nhau này, không chỉ làm tăng thêm tinh thần đoàn kết, mà còn giúp mỗi ngư dân vững tin, yên tâm bám biển trên hành trình vươn khơi… Sự có mặt của họ trên các vùng biển xa bờ chính là những “cột mốc sống” góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhìn từ thực tế, mặc dù nghề đánh bắt trên biển mang lại nguồn thu nhập lớn cho nhiều ngư dân nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro như tàu bị hư hỏng, tai nạn, hay có những lúc phải đối mặt với lốc bão và các tình huống xấu của thời tiết gây ra. Chính vì vậy, sự hình thành các tổ đội sản xuất trên biển là yếu tố quan trọng để ngư dân hỗ trợ nhau trong khai thác và đánh bắt hải sản. Nghiệp đoàn nghề cá ở các vùng biển ra đời cũng từ đây. Hội tụ nhiều “thủy thủ ngư dân” cừ khôi, vừa đánh cá giỏi và lặn ngụp siêu.
Nghiệp đoang nghề cá xã Thạch Kim (Lộc Hà) tạo điều kiện cho các ngư dân khi ra khơi |
Kể về những lần cứu hộ thuyền gặp nạn trên biển, ngư dân Lương Hồng Hải (ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) không dấu được niềm vui. Tàu anh Hải vốn hay đánh bắt xa khơi, nên kinh nghiệm trong xử lý các tình huống bất trắc hay gặp trên biển với anh như cơm bữa. Khi các thuyền bị chìm, thuyền viên mất tích, anh là người xung phong đầu tiên lặn ngụp xuống biển khơi giải cứu nhiều ngư dân.
Cách đây không lâu, tàu của anh cùng với lực lượng Trạm biên phòng Cửa Sót (huyện Lộc Hà) tham gia cứu sống 3 ngư dân gặp nạn, bị sóng đánh chìm trong khi đánh bắt cá cách trạm Cửa Sót 4 hải lý. Sau khi nhận được tin báo, lực lượng biên phòng Cửa Sót đã nhanh chóng tổ chức đoàn cứu hộ, cùng với ngư dân tìm kiếm cứu vớt 3 ngư dân đang trong tình trạng kiệt sức. Đây là một trong số rất nhiều trường hợp ngư dân được ứng cứu kịp thời khi gặp nạn trên biển.
Cứu nạn thành công nhiều vụ chìm tàu trên vùng biển Hà Tĩnh |
Thực tế, sự ra đời của các nghiệp đoàn nghề cá trong thời gian qua đã tạo được sự gắn kết giữa các tổ, nhóm sản xuất, thành một tổ chức cộng đồng, trong đó mỗi thành viên của nghiệp đoàn có vai trò trách nhiệm cao trong việc khai thác hải sản mang lại giá trị kinh tế cao cũng như tạo mối đoàn kết, tương trợ lẫn nhau khi gặp nạn trên biển. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm này, 2 nghiệp đoàn nghề cá mặc dù mới ra đời chưa lâu, nhưng với sự đồng hành của công đoàn các cấp, đã hoạt động rất hiệu quả, tạo được niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển dài ngày.
Cụ thể, Nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim với 242 đoàn viên, khai thác và đánh bắt trên 130 tàu thuyền. Mỗi lần ra khơi là 1 lần bà con như có thêm những nguồn sức mạnh. Khác với trước đây, giờ bà con đã có 1 tổ chức thống nhất, cùng nhau tương trợ hợp tác, bảo vệ lẫn nhau trên từng khu vực biển; chia sẻ các nguồn thông tin, để rồi tăng hiệu quả đánh bắt cho các tàu thuyền…
Với ngư dân Ngô Quang Hợp (xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà) là người đã có gần 30 năm gắn bó với biển. Hơn ai hết, anh hiểu những giá trị lớn mà nghiệp đoàn mang lại cho chính những lao động biển. Từ khi tham gia nghiệp đoàn, anh nhận được sự tương trợ, giúp đỡ của anh em những lúc khó khăn nhất. Bởi lẽ, tàu anh thường đánh bắt xa khơi, có khi đến tận ngoài đảo Bạch Long Vĩ, nên mỗi anh em đều có trách nhiệm cao trong lúc khó khăn hoạn nạn.
Ông Lê Tiến Hải, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) cho biết: Ngoài việc cứu nạn tàu thuyền gặp nạn trên biển thì nghiệp đoàn nghề cá tạo điều kiện tốt giúp anh em vay vốn, cải hoán tàu thuyền, hỗ trợ các thiết bị liên lạc trên biển, đảm bảo an toàn hơn. Hơn ai hết, họ đã thấy được sức mạnh của mối cố kết cộng đồng, không chỉ biển cả, trên bờ mà còn trong mỗi gia đình ngư dân.
Sau mỗi chuyến ra khơi, các tàu được bảo dưỡng, kiểm tra lại |
Còn tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên), một trong những địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về đánh bắt hải sản. Hiện tại, địa phương này có trên 230 tàu thuyền các loại với gần 1 ngàn lao động nghề biển, sản lượng khai thác mỗi năm đạt từ 2800 – 3000 tấn. Đây là 1 trong những lý do để Liên đoàn lao động tỉnh lựa chọn Cẩm Nhượng là đơn vị đầu tiên ở Hà Tĩnh thành lập nghiệp đoàn nghề cá.
Sau gần 4 năm ra đời và hoạt động, đến nay đã có 230 đoàn viên, chia thành 11 tổ, đội hoạt động trên biển. Các tổ, đội đều được trang bị đầy đủ phương tiện để nắm bắt thông tin, sống gắn bó và có trách nhiệm với nhau trong sản xuất cũng như khi gặp sự cố trên biển như ốm đau, hoạn nạn.... Sự tương trợ lẫn nhau đã tạo thêm niềm tin, sức mạnh trong mỗi ngư dân, để từ đó giúp họ yên tâm xa khơi đánh bắt, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhương (huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ, với mỗi ngư dân, hành trình của những chuyến vươn khơi được nhân lên niềm vui khi thuyền về đầy ắp cá, là khi cứu tàu bạn gặp nạn, và cũng là khi cùng với các lực lượng chức năng tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Với họ, đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng thể hiện cái tâm của mỗi một con người.
Sự nhọc nhằn nghề biển vẫn còn đó khi ngư dân đang phải đối mặt với những khó khăn do ngư trường cạn kiệt, ngư lưới cụ chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhưng với mỗi ngư dân, bám biển – vươn khơi là cuộc sống, và hơn thế còn là niềm tự hào khi được làm chủ biển đảo, quê hương, là cách để tiếp nối nghề truyền thống của cha ông để lại. Sự cố kết cộng đồng luôn nhân lên sức mạnh và sự cố kết trên biển thông qua các tổ chức nghiệp đoàn lại càng củng cố niềm tin, giúp ngư dân vững vàng hơn trên biển cả mênh mông.