Ngôi làng có nghìn cây lộc vừng trên 300 tuổi, dân chơi trả giá nào cũng không mua được
“Không đếm xuể có bao nhiêu cây lộc vừng cổ hơn 300 tuổi trong làng. Người ở khắp nơi đến hỏi mua cây cổ với giá hàng trăm triệu đồng nhưng chúng tôi không bán dù là cây nhỏ nhất”.
Đó là lời quả quyết của ông Lê Kỳ Thanh, trưởng làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Để giữ được rừng cây lộc vừng trăm năm tuổi, người làng Siêu Quần (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) quy định rõ trong hương ước: “Nếu phát hiện ra kẻ phá hoại hay trộm cắp thì căn cứ vào giá trị của cây bị mất để xử lý”.
Hàng cây lộc vừng xanh ngát được trồng bao quanh làng Siêu Quần. |
Cách trung tâm TP Huế khoảng 40km về phía bắc, làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nổi tiếng khắp vùng do được bao bọc bởi rừng lộc vừng cổ thụ trên 300 năm tuổi (người làng Siêu Quần gọi là cây mưng) với 3 hàng cây lộc vừng xanh mướt chạy dài dọc cánh đồng.
Theo quan sát của PV, ngoài các hàng cây lộc vừng cổ thụ thì nhà nào ở làng Siêu Quần đều có trồng cây lộc vừng trước và sau nhà, trải dài từ đầu làng đến cuối làng, kể cả đường ra cánh đồng.
Thấy người lạ thích thú quan sát các cây lộc vừng cổ thụ, bà Trần Thị Cút (87 tuổi, trú ở làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền) chia sẻ: "Những cây lộc vừng cổ thụ hàng trăm năm tuổi ở làng luôn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hương ước. Nếu bắt được ai trộm sẽ bị xử lý nghiêm".
Dân làng rất tự hào về những cây lộc vừng trăm năm tuổi được bảo vệ cẩn thận, đặc biệt là những cây cổ ở gần miếu thờ của làng. |
Nói về nguồn gốc rừng lộc vừng cổ thụ bao quanh làng Siêu Quần, bà Nguyễn Thị Dịu kể: Làng Siêu Quần xưa kia được lập ra vào năm 1306 thuộc phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa. Các bậc tiền bối xưa đã trồng những cây lộc vừng. Sau khi đắp đê ngăn mặn, nhận thấy các cây có thể che nắng gió và có những đặc tính phù hợp với thổ nhưỡng nên dân làng quyết định nhân giống từ các cây đã trồng từ trước để giữ đất, chắn sóng.
Ông Lê Kỳ Thanh, trưởng làng Siêu Quần (xã Phong Bình, huyện Phong Điền) còn kể, để khuyến khích người dân trồng lộc vừng thì “Ngài Khai Canh” (người lập làng - PV) lúc bấy giờ đã đưa ra quy ước là ai trồng càng nhiều lộc vừng sẽ được thưởng nhiều gạo và áo. Người dân sau khi trồng lộc vừng được thưởng gạo nhưng không thấy thưởng áo thì đem lòng thắc mắc, nhưng khi lộc vừng tốt tươi và trải qua bao trận bão lũ thiên tai nhưng làng Siêu Quần vẫn bình yên vô sự nhờ sự chở che của những dải lộc vừng trồng trên bờ đê, dân làng mới ngộ ra "tấm áo" mà Ngài Khai Canh nói đến chính là những cây lộc vừng do chính mình trồng đã bảo vệ mình trước thiên tai.
Cây lộc vừng cổ thụ được khách trả giá hơn 100 triệu đồng nhưng dân làng nhất quyết không bán. |
Dẫn chứng cho lời kể của ông Trưởng làng Siêu Quần, bà Trần Thị Cút tiếp lời: “Vụ mưa bão lũ ngập lụt cuối năm 2020 đã chứng tỏ “Ngài Khai Canh” tặng áo cho dân. Nước lũ ập đến rất nhanh, ngập lên cao nhưng không chảy xiết do có hàng cây cổ thụ chắn giữ bao quanh làng Siêu Quần”.
Cũng theo Trưởng làng Siêu Quần Lê Kỳ Thanh, hương ước làng có quy định "Ai chặt hoặc đào bán lộc vừng trong làng sẽ bị phạt tiền theo giá trị của cây đó, đồng thời phải có mâm câu, rượu đưa ra đình làng tạ lỗi với dân làng và bị nêu tên".
Rừng lộc vừng tồn tại đến bây giờ là nhờ đạo đức, trách nhiệm của tất cả các thành viên trong làng.
Một hàng cây lộc vừng được trồng ở giữa cánh đồng. |
Người dân làng Siêu Quần còn tự hào hơn vì trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rừng lộc vừng làng Siêu Quần đã như “tấm áo giáp” chở che cho các đơn vị bộ đội, dân quân du kích.
Mặc dù lộc vừng cổ thụ được giới chơi cây cảnh săn lùng, trả giá cao nhưng làng Siêu Quần vẫn giữ lại toàn bộ, để những hàng cây trăm tuổi vẫn là “lá phổi xanh” che chắn cho làng. Rừng lộc vừng hiện hữu cũng chính là kết quả của sự đồng lòng, chung sức của dân làng.
Những hàng lộc vừng bao quanh làng Siêu Quần bảo vệ người dân trước thiên tai và là lá phổi xanh mang lại bầu không khí trong lành cho làng từ bao đời nay. |
Theo lãnh đạo xã Phong Bình (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế), làng Siêu Quần có 320ha rừng cây thì cây lộc vừng đã chiếm đến 70% diện tích và có khoảng 1.000 cây có tuổi đời trên 300 năm tuổi, những cây nhỏ vài chục năm tuổi thì nhiều vô kể.
Ông Lê Kỳ Thanh bên cây lộc vừng cổ thụ có gốc to một người ôm không xuể. |
Hà Oai