Cứu chữa một con rùa tiêu tốn 400 triệu đồng, lặn cả ngày dưới đáy biển làm điều hiếm ai dám
Mỗi con rùa cứu hộ, chữa bệnh tiêu tốn hàng trăm triệu đồng, nhiều năm qua nhóm đã chi hàng chục tỷ đồng để cứu rùa, cá heo, san hô... mỗi người trong nhóm một công việc khác nhau nhưng có chung tình yêu mãnh liệt với đại dương.
Bất kể ngày lễ, Tết hay ngày thường, nhóm Sasa tại Đà Nẵng vẫn đều đặn hàng ngày dành 6-8 giờ ngụp lặn dưới nước biển lạnh để cứu hộ san hô, sinh vật biển.
Nhóm tình nguyện cứu hộ sinh vật biển Sasa thành lập từ năm 2018, do anh Lê Chiến (sinh năm 1984) sáng lập và làm trưởng nhóm.
Nhóm tình nguyện viên Sasa hằng ngày dầm mình dưới biển để khôi phục, bảo vệ san hô |
Anh Chiến kể, trước đây anh làm việc cho một tổ chức phi chính phủ, công việc của anh là lên bản đồ san hô ở Việt Nam. Trong lần đến Đà Nẵng, phát hiện một chú cá heo bị trôi dạt vào bờ biển, anh Chiến cùng một số bạn trẻ đã tham gia cứu hộ.
Với mong muốn góp phần nhỏ bé cải thiện tình trạng cứu hộ sinh vật biển, anh Chiến đã thành lập một nhóm tình nguyện. Anh đặt tên là Sasa - tên của chú cá heo được cứu hộ trước đó.
“Bất ngờ là ngay khi lập fanpage, chỉ trong một tháng, nhóm Sasa đã tiếp nhận 16 trường hợp rùa biển, 8 trường hợp cá heo cần trợ giúp”, anh Chiến kể. Từ đó, chàng trai Hà Nội quyết định chọn ở lại mảnh đất miền Trung Đà Nẵng để gắn bó với công việc giải cứu sinh vật biển và hồi sinh các rạn san hô bị hư hại.
Việc dọn cắt lưới ma đòi hỏi các thành viên không chỉ kỹ năng bơi lặn mà phải có kiến thức về sinh vật học đại dương. |
Đội tình nguyện viên giải cứu sinh vật biển của anh hiện có hơn 30 thành viên. Họ đều là dân “tay ngang”, mỗi người một công việc khác nhau như nghiên cứu môi trường, hướng dẫn viên du lịch, kinh doanh… nhưng đều có chung một tình yêu với biển, muốn giữ gìn, bảo vệ biển xanh.
Theo anh Chiến, làm việc giữa biển khơi khó khăn và phức tạp, đòi hỏi các thành viên phải có các kỹ năng không chỉ là thể lực, bơi, lặn mà phải hiểu về sinh vật đại dương.
“Các thành viên đều trải qua quá trình huấn luyện bởi chỉ một sai sót nhỏ có thể để lại hậu quả nghiêm trọng. Chẳng hạn như việc gỡ lưới ma, những tấm lưới nặng đến hàng tấn. Trong tấm lưới ma đôi khi còn có những sinh vật nguy hiểm có độc như rắn biển, cá mặt quỷ, san hô mềm…, nếu các thành viên tham gia không có kiến thức về sinh vật học đại dương thì có thể bị đe doạ đến tính mạng”, anh Chiến nói.
Bỏ tiền tỷ để cứu biển
Trong 3 năm hoạt động, nhóm đã cứu hộ hơn 100 trường hợp rùa biển, 30 trường hợp cá heo và hàng trăm m2 rạn san hô, số tiền bỏ ra khoảng vài chục tỷ đồng.
Anh Lê Chiến (phải), người sáng lập và là trưởng nhóm Sasa. |
“Có thể mọi người giật mình với số tiền trên nhưng chi phí để cứu hộ sinh vật biển rất tốn kém. 80-90% trường hợp cá thể rùa gặp nạn mà Sasa tiếp nhận thường là ăn phải rác thải nhựa và do tác động của con người, chúng cần phải chăm sóc y tế, dưỡng thương để tái hoà nhập với đại dương. Quá trình này rất phức tạp, mất nhiều thời gian, có thể từ 3 tháng đến 3 năm. Trong khi đó, mỗi một ngày rùa biển ăn 2kg hải sản, mất 800.000 đồng để thay nước, ngoài ra còn cần chi phí thuốc men, chuyên gia, cơ sở hạ tầng… Do đó, để cứu chữa một con rùa cần số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng. Mới đây nhất, chúng tôi vừa thả một cá thể rùa ở Cù Lao Chàm sau 6 tháng điều trị liên tục với tổng số tiền gần 400 triệu đồng”, anh Chiến kể.
Cứu hộ rùa là vậy, đối với cá heo, rạn san hô còn căng thẳng hơn nhiều. Nhưng anh Chiến cho biết, chi phí cho san hô vẫn nhiều nhất, nhóm muốn tập trung dồn tất cả cứu san hô bởi san hô có ý nghĩa vô cùng lớn, quyết định sự sống dưới đáy biển. Đặc biệt là san hô không chỉ ở Đà Nẵng mà ở các tỉnh miền Trung đang gặp tình trạng bị tẩy trắng; cộng với thời tiết mưa bão, những khối san hô bị hư hỏng rất nhiều.
Các tình nguyện viên của Sasa là những người vô cùng yêu biển, họ đã bỏ công sức, tiền của để khôi phục và bảo vệ san hô, cứu chữa những sinh vật biển bị thương trôi dạt vào bờ... |
Hằng ngày, nhóm Sasa dành 6-8 giờ dưới nước biển để theo dõi tình trạng san hô, mang lên bờ những cành san hô bị gãy, tỉ mẩn cắt tỉa, dán chúng vào những giá thể rồi đặt xuống đáy biển. Họ cũng tranh thủ nhặt rác, ni lông, chai nhựa, cắt lưới ma…không để chúng trùm trói, làm gãy san hô.
“Đợt mưa bão vừa rồi, từng khối san hô lớn bị quật thẳng lên bờ, gần như toàn bộ rạn san hô bãi Nam Sơn Trà đã tan nát sau bão. Rất may là những khu vườn san hô được chúng tôi cứu hộ và tái trồng trong rạn vẫn tồn tại, thậm chí phát triển rất tốt, điều đó cho thấy phương pháp Sasa theo đuổi là chính xác", anh Chiến nói.
Chi phí bỏ ra lớn như vậy nhưng anh Chiến cho biết nhóm không có ý định xin tiền tài trợ. Bởi ngay từ khi thành lập, anh Chiến đã xác định, định hướng phát triển của Sasa là hoạt động độc lập, không phụ thuộc vào tài chính của bất kỳ tổ chức nào. Việc lo chi phí để duy trì hoạt động khiến anh gặp nhiều khó khăn nhưng theo anh như thế còn “dễ thở” hơn là làm dự án, nhận tiền tài trợ.
Trong năm nay Sasa sẽ tập trung dọn cắt lưới ma ở 10 khu bảo tồn biển ở Việt Nam, nâng cao nhận thức của người dân địa phương về việc giữ gìn các rạn san hô. |
“Những thành viên của Sasa có một sự gắn kết đặc biệt với đại dương. Họ luôn có tâm thế hi sinh để làm việc cho biển nên không chỉ dành thời gian, công sức mà còn cả tiền bạc để duy trì hoạt động của nhóm. Có những tình nguyện viên một ngày làm 2-3 việc, mùa đông đi làm còn mùa hè ra biển cứu hộ, có những người sẵn sàng dành tiền tích luỹ 2 năm để làm công việc này. Chúng tôi chọn cách sống tiết kiệm, giản dị, giảm thiểu nhu cầu vật chất để dành dụm tiền nuôi dưỡng san hô, sinh vật biển”, anh Chiến bộc bạch.
Chia sẻ về kế hoạch của Sasa trong năm nay, anh Chiến cho hay, nhóm sẽ tập trung dọn cắt lưới ma. Đây sẽ là 1 chiến dịch lớn, tập trung vào 10 khu bảo tồn biển ở Việt Nam như Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Lý Sơn, Phú Quốc…
Anh Chiến ví những tấm lưới ma như những “cỗ máy chết chóc di động”, không chỉ làm ô nhiễm biển mà còn huỷ hoại san hô, mọi công sức bảo tồn, tái tạo có thể bị huỷ hoại chỉ với một tấm lưới.
“Việc này không chỉ là đưa bao nhiêu số lượng lưới lên bờ, điều quan trọng là chúng tôi muốn nâng cao nhận thức của người dân địa phương về lưới ma, gây dựng phong trào giữ gìn rạn san hô, không vứt lưới hỏng xuống biển. Nhóm cũng đặt mục tiêu thành lập đội thợ lặn địa phương hướng dẫn họ để gỡ lưới ma, bảo tồn san hô. Kế hoạch này xuyên suốt cả năm 2021”, anh Chiến chia sẻ.
Về tương lai lâu dài, trưởng nhóm Sasa cũng bày tỏ mong muốn sẽ thành lập phức hợp ở khu bảo tồn biển, bao gồm trung tâm cứu hộ và trung tâm giáo dục môi trường biển cho trẻ em trên đảo, cho những người làm du lịch, đưa hình ảnh của khu bảo tồn biển Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế như một hình mẫu.
Diệu Thuỳ