Nghìn bánh chưng ôi thiu khi chuyển đến vùng lũ: TS dinh dưỡng cảnh báo
Bánh chưng cũng là một loại thực phẩm rất dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản đúng cách, vận chuyển an toàn…
Chị em phụ nữ huyện Thanh Thuỷ (Phú Thọ) gói bánh chưng gửi đồng bào vùng lũ |
Trong bối cảnh bà con vùng lũ lụt thiếu nước sạch, thiếu điện, ngập sâu không thể nấu ăn… thì bánh chưng cũng là giải pháp hữu hiệu giúp những người dân nơi này vượt qua những tháng ngày đứt bữa.
Tuy nhiên, hôm nay trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin nhiều người chia sẻ hàng nghìn chiếc bánh chưng trên đường cứu trợ, do bảo quản, vận chuyển không đúng cách, đã bị ôi thiu khi chưa kịp đến tay người dân cần hỗ trợ. Ít nhất hai cá nhân tham gia các đoàn cứu trợ xác nhận với PV sự việc có các xe chở bánh chưng đã bị chua, hỏng trên đường vận chuyển do bảo quản không đảm bảo trước khi đến được với người dân vùng lũ.
Những ngày này nhiều địa phương trên cả nước từ Phú Thọ đến Hà Nội, vào tới Vinh, các tỉnh Tây Nguyên, TP.HCM, Cần Thơ... rất nhiều người gói bánh chưng cứu trợ bà con Miền Trung đang bị ngập lụt. Đây được xem như giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay.
Trao đổi với phóng viên, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, nấu mì tôm cũng cần phải đun nước mà vùng lũ nhiều khi không có chỗ đun. Mà uống nước lọc ăn mì tôm sống mãi cũng không thể. Do đó, bánh chưng và xôi nóng nếu vận chuyển kịp là giải pháp tốt cung cấp đồ ăn ngay cho bà con.
“Bánh chưng cũng giàu năng lượng, giàu đạm, giàu chất béo (có trong thịt, đậu xanh)… chỉ thiếu rau xanh, quả chín”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
Một miếng bánh chưng nhỏ khoảng 50 g cung cấp khoảng 150 kcal, bằng một lưng bát cơm. Như vậy, người dân nơi ngập sâu có thể ăn bánh chưng cộng thêm với rau xanh, quả chín là đã đủ cung cấp năng lượng.
Những chiếc bánh nghĩa tình được gói gửi bà con vùng lũ |
Tuy nhiên, bánh chưng cũng là một loại thực phẩm rất dễ bị ôi thiu nếu không được bảo quản, vận chuyển an toàn. Để bánh chưng tới tay người dân đảm bảo an toàn vệ sinh thì đòi hỏi người gói, người vận chuyển phải thực hiện một số bước cơ bản.
Anh Nguyễn Văn An, chủ cơ sở bán buôn bánh chưng tại quận Ba Đình, Hà Nội, cũng chia sẻ kinh nghiệm về bảo quản, vận chuyển bánh chưng đảm bảo chất lượng.
Theo anh An, vì bánh chưng có thịt, đậu, hạt tiêu, hành… nên cũng rất dễ bị mốc nhất là khi bánh không được để nơi thoáng khí, bị hấp hơi hoặc nhiệt độ ngoài trời quá cao.
Do đó, để bánh được an toàn đến tay người dân nơi vùng lũ thì sau khi luộc xong, vớt bánh chưng ra rửa sạch lá trong nước lạnh cho hết nhựa, để ráo. Xếp bánh thành nhiều lớp, dùng vật nặng đè lên để ép bánh cho ra nước, chắc mịn (để cho rền bánh) và phẳng đều trong vài giờ.
Sau khi hoàn tất công đoạn ép bánh, bánh được làm nguội trước khi ép chân không hoặc vận chuyển đi (thông thường 6- 7h). Trước khi gửi đi cho đồng bào, mọi người phải để bánh nguội mới đóng sọt nhựa, sọt tre thoáng khí gửi đi.
“Nếu không bánh sẽ bị biến dạng khi vận chuyển. Ngoài ra, mọi người tuyệt đối không để bánh trong các thùng kín, mà chỉ được để trong những túi, thùng có lỗ thoáng khí tránh làm bánh bí hơi dễ dẫn đến ôi thiu, ăn phải sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ”, anh An nói.
Thực tế, nếu thời tiết có nhiệt độ phù hợp (dưới 20 độ) thì bánh có thể bảo quản ở nhiệt độ thường khoảng 2 tuần. Nhưng khi thời tiết nóng thì bánh sẽ rất nhanh bị chua, thiu và mốc.
Trong trường hợp bánh chưng đã bị mốc. PGS. TS Nguyễn Thị Lâm khuyên người dân tuyệt đối không tiếc của ăn cố. Bởi tất cả các thực phẩm đã mốc đều sinh ra độc tố Aflatoxin. Loại độc chất này có thể gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ Aflatoxin từ thực phẩm. Vì thế, người dân không nên tiếc mà cần mạnh dạn vứt bỏ những thực phẩm đã bị nấm mốc, tuyệt đối không ăn.
Để hạn chế tình trạng bánh vận chuyển vào tới nơi bị hư hỏng, ôi thiu, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng các cá nhân, tổ chức nên có kế hoạch phân phối làm sao bánh có thể tới với người dân nhanh nhất, tránh để lâu, công bà con làm, gửi gắm bao nghĩa tình trong đó để mốc thì rất lãng phí.
“Hiện có công nghệ để nguội, đóng gói, hút chân không mà vận chuyển nhanh, đảm bảo thì bánh chưng có thể để được hơn chục ngày”, PGS. TS Nguyễn Thị Lâm cho biết.
N. Huyền