Nghiện ma túy là bệnh, không phải là tệ nạn!
Hưởng ứng ngày toàn dân phòng chống ma túy 26/6, chiều qua tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức toạ đàm trực tuyến: Đổi mới công tác điều trị, cai nghiện ma túy. Các đại biểu tham gia tọa đàm đều có chung quan điểm trên khi bàn về thái độ và cách ứng xử của cộng đồng đối với người nghiện ma túy đồng thời thống nhất cho rằng, cần giảm bớt các trung tâm cai nghiện tập trung và gia đình có trách nhiệm chính trong việc giáo dục con em mình.
Các đại biểu tham gia tọa đàm đều có chung quan điểm khi bàn về thái độ và cách ứng xử của cộng đồng đối với người nghiện ma túy và thống nhất cho rằng, cần giảm bớt các trung tâm cai nghiện tập trung và gia đình có trách nhiệm chính trong việc giáo dục con em mình. Ảnh NL |
Theo báo cáo tình hình sử dụng ma túy toàn cầu mà Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc công bố vào ngày 26/6 trước, hiện nay trên thế giới 315 triệu người nghiện ma túy. Và một nguy cơ đáng lo ngại là ngoài các loại ma túy truyền thống có rất nhiều loại ma túy mới, xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Công an, số người nghiện hiện là 170.000 người nhưng thực tế lớn hơn.
Lạm dụng ma túy là một vấn đề rất phức tạp. Giải quyết vấn đề này không hề đơn giản. Đây không chỉ là câu chuyện về chính sách mà cần sự quan tâm của cả cộng đồng, vượt qua giới hạn của những định kiến thông thường, để giúp những người bị lệ thuộc vào ma túy có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nghiện ma túy là bệnh mãn tính, không phải là tệ nạn xã hội
Trao đổi tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Cai nghiện mà chúng ta hiểu từ trước tới giờ là cách ly khỏi môi trường thuốc, cai nghiện cắt cơn, tách họ ra thời gian dài nhất định như 12, 24 tháng, với hy vọng khi trở về cộng đồng họ có thể cai nghiện. Nhưng điều đó đến bây giờ, các bằng chứng khoa học cho thấy, chúng ta nhận thức chưa đúng.
Bây giờ chúng ta đã đủ căn cứ, cơ sở để hiểu nghiện ma túy là bệnh mãn tính của não bộ, để chữa trị phải mất nhiều năm, công phu. Đấy là bệnh mãn tính nên điều trị phải thường xuyên, gần như người nghiện phải sống chung với phác đồ điều trị nào đó.
Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội: Việc thay đổi nhận thức, coi họ là người bệnh, cung cấp dịch vụ chữa bệnh ở cộng đồng để cho họ có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn. Ảnh NL |
Với việc thay đổi nhận thức, chúng ta coi họ là người bệnh, cung cấp dịch vụ chữa bệnh ở cộng đồng với mạng lưới tổ chức làm sao tiện lợi, phục vụ đa dạng người bệnh và để cho họ có thể hòa nhập cộng đồng tốt hơn.
Đồng quan điểm này, bà Bà Zhuldyz Akisheva, Giám đốc quốc gia Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng: “Xử lý vấn đề lạm dụng ma túy, chúng tôi coi đây là một vấn đề y tế công cộng chứ không phải là một vấn đề đòi hỏi phải giải quyết bằng cách tiếp cận tư pháp hình sự. Cách tiếp cận của chúng tôi từ việc ra chính sách đến triển khai chính sách. Chúng tôi coi việc lệ thuộc ma túy là một vấn đề rối loạn sức khỏe”.
Với quan điểm là người đã từng 10 năm sử dụng ma túy, và đang làm công tác hỗ trợ người nghiện ma túy, hỗ trợ các bạn sau khi cai nghiện tại các Trung tâm 06 về hòa nhập với cộng đồng, chị Huỳnh Như Thanh Huyền, Trưởng ban điều phối các nhóm tự lực phía Nam phía Nam cho biết: sau khi được điều trị cắt cơn tại các Trung tâm, chúng tôi mong đợi mọi người nhận thức nghiện ma túy chỉ là một căn bệnh. Quan niệm như vậy sẽ giúp xã hội giảm kỳ thị với người nghiện. Khi đó người nghiện không còn là tệ nạn, tội phạm, giúp họ tự tin hơn, nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn từ xã hội và cộng đồng.
Chính vì thay đổi quan niệm về người nghiện ma túy, nên việc cần quan tâm nữa chính là cuyển đổi mô hình cai nghiện bắt buộc tập trung sang mô hình cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng.
Ông Nguyễn Trọng Đàm khẳng định:Trong 20 năm qua, chủ yếu người nghiện được đưa vào trung tâm 06 để cai nghiện, hiệu quả hỗ trợ cai nghiện và hòa nhập cộng đồng còn hạn chế. Sắp tới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ giảm dần việc điều trị bắt buộc trong các trung tâm, tăng dần điều trị tự nguyện tại cộng đồng.
“Chúng ta cũng có lộ trình giảm dần số lượng, các trung tâm này sẽ chuyển từ cai nghiện bắt buộc sang tự nguyện và cung cấp dịch vụ xã hội, nâng cao chất lượng hỗ trợ cai nghiện. Các trung tâm phải đổi mới, ngoài quản lý hỗ trợ còn có hoạt động khác giống như các trung tâm cộng đồng để làm sao có một bộ phận vẫn phải cai nghiện trong trung tâm theo luật quy định, nhưng phần lớn cai nghiện tại cộng đồng”, Ông Đàm cho hay.
Phương pháp tốt nhất để điều trị cai nghiện ma túy, được ghi nhận, là phải dựa trên sự tự nguyện, với sự trợ giúp của gia đình, cộng đồng, được hỗ trợ về tâm lý, tham gia các hoạt động xã hội, được dạy nghề, tư vấn việc làm và được hỗ trợ qua các nhóm đồng đẳng…
Ông Fabio Mesquita, Tiến sỹ, bác sỹ, Chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới chia sẻ quan điểm của mình về việc điều trị cai nghiện tại cộng đồng: lĩnh vực lạm dụng ma túy là lĩnh vực đặc biệt, chỉ có bác sỹ thì không làm được tất cả mọi việc và cần cam kết của cộng đồng, chính sách của nhà nước, những chia sẻ quốc tế, sự đóng góp những người trong mạng lưới bị ảnh hưởng bởi ma túy và nói chung, chúng ta cần phải phối hợp để tìm ra những giải pháp hiệu quả.
Một phương pháp duy nhất không bao giờ giải quyết được mọi vấn đề. Thay vì trừng phạt họ, thì hãy tăng cường các hoạt động mang tính gắn kết xã hội để giúp người nghiện tự nguyện điều trị các vấn đề của mình.